LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

 PREGNANCY DURING ORAL ISOTRETINOIN

DR PHẠM TĂNG TÙNG


CASE LÂM SÀNG

Một phụ nữ 29 tuổi bị mụn trứng cá nặng, dai dẳng đang được điều trị isotretinoin. Trong 3 tháng đầu điều trị, cô ấy bắt đầu uống thuốc tránh thai đồng thời với thời gian uống isotretinoin. Sau khi quyết định có con thì cô ấy đã ngưng sử dụng thuốc tránh thai trong khi vẫn uống isotretinoin trong 2 tháng tiếp theo. Khi biết có thai cô ấy đã tìm đến chương trình Motherisk để được tư vấn về nguy cơ dị tật thai nhi khi uống isotretinoin. Quá trình tư vấn cho thấy bệnh nhân hoàn toàn không nắm rõ được mối liên quan giữa dị tật thai nhi và isotretinoin và việc cần phải tiếp tục uống thuốc tránh thai trong thời gian uống isotretinoin. Sau khi được tư vấn kĩ lưỡng, cô ấy đã quyết định đình chỉ thai nhi.

BÀN LUẬN

1. Nguy cơ phơi nhiễm isotretinoin trong thai kì

Isotretinoin lần đầu được sử dụng ở US vào năm 1982 và ở Canada năm 1983 để điều trị mụn trứng cá dai dẳng. Trong nhiều thập kỉ, isotretinoin còn được chỉ định để điều trị nhiều bệnh khác như viêm nang lông do vi khuẩn gram âm, trứng cá đỏ dai dẳng, bệnh da mủ ở mặt, lichen phẳng toàn thân, vảy nến, lupus đỏ da và trứng cá bạo phát. Mặc dù có hiệu quả tốt trong điều trị mụn nhưng isotretinoin lại là thuốc có nguy cơ gây dị tật thai nhi người. Trẻ còn trong bụng mẹ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh 20%-35% nếu phơi nhiễm với isotretinoin trong thời gian mang thai. Có 30-60% các trường hợp báo cáo cho thấy trẻ phơi nhiễm isotretinoin được sinh ra bị rối loạn nhận thức, thậm chí bị dị tật cơ thể.

2. Biện pháp hạn chế mang thai 

Tiêu chuẩn vàng để ngăn chặn sự phơi nhiễm isotretinoin phụ thuộc vào những yếu tố then chốt sau: (1) nhận thức của bệnh nhân nữ đối với các nguy cơ dị tật thai nhi của isotretinoin; (2)loại trừ khả năng mang thai trước khi bắt đầu điều trị; (3) sử dụng biện pháp tránh thai kép trong quá trình điều trị; (4) Kiểm tra tình trạng có thai trong quá trình điều trị; (5) Tránh mang thai cho đến khi toàn bộ lượng isotretinoin đã được đào thải hết (ít nhất là 31 ngày sau khi ngưng uống thuốc).

Ở Mỹ để có thể sử dụng isotretinoin, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản bắt buộc phải tham gia chương trình iPLEDGE, yêu cầu của chương trình có thể được tóm tắt như sau: (1) test thử thai 2 lần trước khi uống thuốc để đảm bảo bạn không có thai (2) bắt buộc cam kết sử dụng đồng thời 2 phương pháp tránh thai cùng lúc (3) test thử thai và điền bộ câu hỏi liên quan đến tránh thai mỗi tháng để được cấp thuốc. (https://www.healthline.com/health/ipledge#requirements)

Mặc dù được kiểm soát chặt chẽ bởi chương trình iPLEDGE, nhưng mỗi năm ở Mỹ có khoảng 150 phụ nữ phát hiện mình mang thai trong quá trình sử dụng thuốc isotretinoin. Ở Viêt Nam việc sử dụng isotretinoin cực kì phổ biến và DỄ DÀNG. Nhận thức về nguy cơ cũng như sử dụng biện pháp tránh thai còn chưa được quan tâm đủ và đúng. Mặc dù chưa có bất kì thống kê nào về số lượng phụ nữ phát hiện có thai trong quá trình uống isotretinoin nhưng con số có thể khá cao.

3. Nguyên nhân gây phơi nhiễm isotretinoin đối với thai nhi

Nguyên nhân khiến phụ nữ có thai trong quá trình uống isotretinoin được báo cáo nhiều nhất đó là tránh thai không hoàn toàn khi quan hệ tình dục, sử dụng thuốc tránh thai không hiệu quả hoặc không liên tục, hoặc thất bại trong việc phát hiện có thai trước khi sử dụng thuốc. Trong đó tránh thai thất bại là nguyên nhân hàng đầu khi phụ nữ có thai trong thời gian điều trị isotretinoin. Mặc dù hiểu về những nguy cơ của isotretinoin, một số nghiên cứu cho thấy có 7-59% bệnh nhân nữ không dùng bất kì biện pháp tránh thai nào, khoảng 80% phụ nữ không sử dụng biện pháp tránh thai kép (2 phương pháp tránh thai cùng lúc). Ngoài ra việc sử dụng biện pháp tránh thai chưa đúng cách cũng là nguyên nhân phổ biến khiến họ mang thai trong khi uống thuốc. 

4. Cần làm gì để hạn chế tối đa khả năng mang thai trong khi đang sử dụng isotretinoin

- Giáo dục bệnh nhân về nguy cơ của isotretinoin đối với thai nhi.

- Test thai 2 lần trước khi sử dụng thuốc (lần đầu test nhanh, lần 2 test ở lab)

- Bệnh nhân cam kết sử dụng biện pháp tránh thai kép và giáo dục bệnh nhân tránh thai đúng cách.

- Test thai mỗi tháng.

- Sử dụng biện pháp tránh thai kép ít nhất 3 tháng sau khi ngưng uống isotretinoin.

5. Tại sao phải tránh thai kép.

Chúng ta phải biết rằng không có biện pháp tránh thai nào có hiệu quả tuyệt đối. Bảng bên dưới mô tả tỉ lệ thất bại của các biện pháp tránh thai. Hai biện pháp tránh thai được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là viên thuốc tránh thai kết hợp (tỉ lệ thất bại là 8%), mang bao cao su (tỉ lệ thất bại là 15%) có tỉ lệ thất bại khá cao. Do đó việc sử dụng đồng thời cả hai biện pháp tránh thai là rất cần thiết để hạn chế tối đa nguy cơ có thai trong giai đoạn uống thuốc.






TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Choi, June Seek et al. “Pregnancy and isotretinoin therapy.” CMAJ : Canadian Medical Association journal = journal de l'Association medicale canadienne vol. 185,5 (2013): 411-3. doi:10.1503/cmaj.120729

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3602257/pdf/1850411.pdf

2. Collins MK, Moreau JF, Opel D, Swan J, Prevost N, Hastings M, Bimla Schwarz E, Korb Ferris L. Compliance with pregnancy prevention measures during isotretinoin therapy. J Am Acad Dermatol. 2014 Jan;70(1):55-9. doi: 10.1016/j.jaad.2013.08.034. Epub 2013 Oct 21. PMID: 24157382.

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét