Như chúng ta đã biết, sinh bệnh học mụn trứng cá xoay
quanh 4 yếu tố chính: (1) sừng hóa nang lông hình thành nhân mụn (2) tăng tiết
bã nhờn do sự chi phối của hormone (3) vi khuẩn P. acnes và (4) quá
trình viêm. Ngoài ra các yếu tố do gen (được chứng minh qua các nghiên cứu ở trẻ
song sinh), chế độ ăn giàu carbohydrate và các sản phẩm từ sữa, các yếu tố môi
trường (hút thuốc lá, mỹ phẩm…) cũng đóng vai trò trong quá trình sinh bệnh học
của mụn trứng cá [1]
Có một sự thật mà chúng ta phải nắm, đó là mặc dù phác
đồ điều trị mụn trứng cá ở với phụ nữ lớn tuổi cũng giống như cách chúng ta điều
trị cho mụn ở độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, tỉ lệ thất bại với điều trị ở độ tuổi
trên 25 tuổi là rất cao. Nghiên cứu của Blasiak (2013), Goulden (1997),
Rademaker (2016) cho thấy có đến gần 80% phụ nữ thất bại sau một số liệu trình
điều trị kháng sinh và 30-40% thất bại khi điều trị với Isotretinoin [1]
Sinh bệnh học của mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành rất
phức tạp. Tuy nhiên yếu tố đóng vai trò chủ đạo cho sự hình thành mụn trong
giai đoạn này là yếu tố về nội tiết tố làm tăng tiết bã nhờn thông qua thụ thể của
chúng trên các tế bào tuyến bã. [1]. Ngoài androgen, các hormone khác cũng đóng
vai trò quan trọng trong việc làm tăng tiết bã nhờn như CRH (hormone liên quan
đến tress và mất ngủ), Insulin like growth factor-1 (liên quan đến chế độ ăn
nhiều carbohydrate (high glycemic index diet) [2]
Do đó ngoài việc điều trị theo đúng phác đồ, thì việc
thay đổi lối sống và chế độ ăn uống sẽ góp phần giúp cải thiện hiệu quả điều trị
cao hơn. Có 3 yếu tố mình luôn cân nhắc đến trong quá trình điều trị mụn đó là
lối sống (stress, mất ngủ), chế độ ăn giàu carb, và chức năng hàng rào bảo vệ
da trong mụn trứng cá (sẽ trình bày ở một bài viết khác). Bài viết hôm nay sẽ
làm sáng tỏ mối liên hệ này.
1. Chế
độ ăn giàu carbohydrate (high glycemic index)
Cơ chế: nhiều nghiên cứu đã chứng minh ăn chế độ giàu
carbohydrate, sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa sẽ làm tăng hàm lượng
insulin và IGF-1. Hai hormone này tác động lên cả tế bào tuyến thượng thận làm
tăng tiết androgen (như testosterone) và tế bào tuyến bã nhờn làm ức chế hoạt động
của enzyme chuyển đổi testosterone thành estrogen (aromatase), từ đó làm gia
tăng tác động của androgen lên tuyến bã nhờn [3].
Năm 2007, một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng
đã được thực hiện ở 43 phụ nữ Australia tuổi từ 15-25 để đánh giá hiệu quả của
chế độ ăn kiên carbohydrate (low glycemic diet). Kết quả sau 12 tuần, số lượng
tổn thương ở nhóm bệnh nhân ăn chế độ low glycemic giảm rất nhiều so với nhóm bệnh
nhân ăn chế độ high lycemic truyền thống (p=0.1). Ngoài ra chỉ số cân nặng và
chỉ số androgen tự do cũng giảm mạnh [4].
Một thử nghiêm lâm sàng có đối chứng tương tự trên 32
phụ nữ Hàn Quốc cũng cho thấy có sự cải thiện lâm sàng (giảm cả số lượng tổn
thương viêm và không viêm) đáng kể ở nhóm ăn chế độ low glycemic sau 10 tuần, đồng
thời kết quả mô bệnh học cho thấy có sự giảm đáng kể kích thước tuyến bã nhờn
và các yếu tố gây viêm [5].
2. Stress
từ lối sống hiện đại
Cuộc sống thời hiện đại, với những áp lực từ công việc,
cuộc sống và môi trường khiến chúng ta ngày càng căng thẳng. Đặc biệt đối với
phụ nữ, khi họ vừa là người chăm sóc cho gia đình, con cái vừa phải hoàn thành
công việc. Bên cạnh đó, sự thay đổi nội tiết tố sinh dục theo chu kì cũng khiến
phụ nữ trở nên căng thẳng hơn so với đàn ông. Điều này dẫn đến nhiều phụ nữ
stress và mất ngủ nhiều hơn. Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ chiếm đến 76% bệnh
nhân bị mụn trứng cá trên 25 tuổi [2].
Stress và mất ngủ liên quan đến mụn trứng cá thông qua
sự kích thích bài tiết hormone CRH như đã trình bày ở trên, ngoài ra sự mất ngủ
còn ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của toàn cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến hệ thống
miễn dịch của da. [6]
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mụn trứng cá tiến triển nặng
hơn ở 50-71% bệnh nhân khi họ đang ở trong giai đoạn stress. Ngoài ra một thử
nghiệm lâm sàng trên 30 tình nguyện viên cho thấy sau một đêm không ngủ, có sự
gia tăng đáng kể của các tế bào CD4+ T cell và tồn tại trong nhiều ngày sau đó.
Và người ta cũng phát hiện thấy nồng độ CD4+ T cell cao ở da bệnh nhân bị mụn
trứng cá [6].
Bàn luận: Đối với một trường hợp mụn trứng cá
sau 25 tuổi, việc đầu tiên cần phải xác định xem bệnh nhân có dấu hiệu
hyperandrogenism hay không thông qua các dấu hiệu như: nhiều lông, tiết nhiều
bã nhờn, rối loạn kinh nguyệt…. Sau đó lên phác đồ điều trị như mụn trứng cá
thông thường khác, đồng thời phải kết hợp thay đổi bền vững lối sống và chế độ
ăn của bệnh nhân.
DR. PHẠM TĂNG TÙNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Tan AU, Schlosser BJ, Paller AS. A review of
diagnosis and treatment of acne in adult female patients. Int J Womens
Dermatol. 2017;4(2):56–71. Published 2017 Dec 23. doi:10.1016/j.ijwd.2017.10.006
2.
Bagatin E, Freitas THP, Rivitti-Machado MC, et
al. Adult female acne: a guide to clinical practice [published correction
appears in An Bras Dermatol. 2019 Mar-Apr;94(2):255. Machado MCR [corrected to
Rivitti-Machado MC]]. An Bras Dermatol. 2019;94(1):62–75.
doi:10.1590/abd1806-4841.20198203
3.
Melnik BC, Zouboulis CC. Potential role of FoxO1
and mTORC1 in the pathogenesis of Western diet-induced acne. Exp Dermatol.
2013;22:311-5.
4. Smith
RN, Mann NJ, Braue A, Makelainen H, Varigos GA. The effect of a high-protein,
low glycemic-load diet versus a conventional, high glycemic-load diet on
biochemical parameters associated with acne vulgaris: a randomized, investigator-masked,
controlled trial. J Am Acad Dermatol. 2007;57:247-256.
5. Kwon
HH, Yoon JY, Hong JS, Jung JY, Park MS, Suh DH. Clinical and histological
effect of a low glycaemic load diet in treatment of acne vulgaris in Korean
patients: a randomized, controlled trial. Acta Derm Venereol. 2012;92:241-246.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét