HOẠT CHẤT GIÚP PHỤC HỒI VÀ TÁI TẠO DA
SKIN BARRIER RECOVERY AND REGENERATING
DR. PHAM TANG TUNG
1. Vai trò của Interleukin 1 alpha trong tái tạo vết thương
Giai đoạn đầu và quan trọng nhất của quá trình lành thương đó là quá trình tái tạo thượng bì, đây là quá trình các tế bào sừng (keratinocyte) di cư từ vùng da lành, tăng sinh và che phủ miệng vết thương. Quá trình này bao gồm cả quá trình tăng sinh tế bào và di cư từ vùng da lành của keratinocyte đến miệng vết thương khi đáp ứng với các yếu tố điều hòa nội mô. Interleukin 1-alpha là một loại cytokine được bài tiết bởi nhiều loại tế bào khác nhau trong đó có tế bào sừng. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy interleukin 1 dạng bôi có thể thúc đẩy quá trình lành thương, đặc biệt là quá trình tái tạo thượng bì. Mặc dù keratinocyte tiết cả IL-1 alpha, và IL-1 beta nhưng chỉ có IL-1 alpha là có khả năng kích thích tăng cường bài tiết thêm chính nó. IL-1 alpha kích thích các tế bào keratinocyte tiết IL-1 alpha và TGF-alpha cũng như tăng cường ái tính của thụ thể EGF/TGF-alpha (yếu tố tăng trưởng thượng bì và yếu tố thúc đẩy chuyển dạng tế bào). TGF-alpha đã được chứng minh là có khả năng thúc đẩy sự di chuyển của keratinocyte. Do đó IL-1 alpha góp phần thúc đẩy quá trình tái tạo thượng bì. [1,2].
Ngoài ra trong nghiên cứu của mình, Goldring [3] đã chỉ ra rằng IL-1 alpha có kích thích sự tăng sinh của collagen, đặc biệt là collagen type III bên trong các tế bào da vùng trán, khi chúng được nuôi cấy trong môi trường giàu IL-1 alpha. Việc tăng tổng hợp collagen type III giúp quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn, cũng như giúp chống lại quá trình lão hóa da.
Một thử nghiệm lâm sàng khác của Peter Choch trên 21 đối tượng tham gia cũng đã chứng minh được khả năng kích thích tổng hợp collagen của mỹ phẩm chứa IL-1apha. Ông cho rằng IL-1apha không chỉ làm tăng sinh nguyên bào sợi (tế bào tổng hợp collagen) mà còn hoạt hóa quá trình tổng hợp collagen và elastin. Ngoài ra ở nồng độ thấp IL-1alpha còn có thể giúp làm tăng sự biểu hiện của TIMP (tissue inhibitor metalloprotease giúp ức chế enzyme phân hủy collagenase (enzyme phân hủy collagen). Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 28 và 56 ngày sử dụng sản phẩm chứa IL-1alpha, độ đàn hồi da (elasticity) tăng lên lần lượt là 20,7% và 15.2
(https://unitech.ch/assets/docs/Skin_rejuvenating_effects_of_interleukin-1_alpha_Aesthetics_Feb_2015.pdf)
2. Ceramides
Hàng rào bảo vệ da được cấu tạo chủ yếu từ ceramide, acid béo và cholesterol. Lớp lipid này của da giúp hạn chế sự mất nước qua da cũng như giúp bảo vệ da khỏi các yếu tố có hại từ môi trường. Trong các thành phần cấu thành hàng rào da, ceramide là chất có khả năng phục hồi lại hàng rào bảo vệ da và giữ ẩm cho da tốt nhất. Ceramide gần đây đã được thêm vào trong các sản phẩm mỹ phẩm nhằm cải thiện chức năng hàng rào da và làm tươi mới làn da. [4]
Tổn thương vật lý và hóa học từ các thủ thuật (lăn kim, laser, peel da, ...) và các bệnh lý da (viêm da cơ địa, vảy nến, mụn trứng cá...) hoặc tai biến do corticoid luôn đi kèm với tổn thương hàng rào da. Do đó việc phục hồi lại hàng rào da giúp quá trình lành thương và phục hồi da diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Sunao Tsuchiya đã tiến hành nghiên cứu về tác dụng của ceramide trong lành thương bằng cách tạo các vết loét bằng laser lên hai bên lưng của những con chuột. Một bên được đắp gạc chứa ceramide, bên còn lại được đắp gạc không chứa ceramide để làm nhóm chứng. Sau 7 ngày, kết quả đo lường cho thấy TEWL (mất nước qua da) của bên không có ceramide là 66.58 g/m2 h, và bên được đáp gạc có ceramide là 46.22 g/m2 h (p <0.05). Kết quả mô bệnh học cũng cho thấy bên được đắp gạc chứa ceramide có mức độ phục hồi nhanh hơn [5].
3. Vitamin B5 (depanthenol- pantothenic acid)
Một hoạt chất nổi tiếng khác có vai trò giúp lành thương đó là depanthenol (Rất nhiều hãng mỹ phẩm hiện nay có dạng serum B5). Pantothenic acid là một loại vitamin tan trong nước, an toàn với cơ thể cả đường bôi và đường uống (4-7 mg). Vitamin B5 là thành phần cần thiết cấu tạo nên coenzyme A, loại coenzyme cần thiết cho sự tổng hợp acid béo và sphingolipid (đây là những thành phần chính của hàng rào bảo vệ da). Do đó vitamin B5 cần thiết cho quá trình phục hồi chức năng hàng rào da, cũng như tính kết dính của các tế bào thượng bì trong các tổn thương bệnh lí da và trong quá trình lành thương.
Proksch đã chứng minh vai trò của kem bôi B5 trong thí nghiệm của mình. Trong thí nghiệm này, các vùng da bị kích ứng được gây ra bởi sodium lauryl sulphate được chia thành hai nhóm, một nhóm bôi kem B5 và một nhóm bôi kem không chứa hoạt chất để làm nhóm chứng. Kết quả cho thấy những vùng kích ứng da bôi kem B5 có độ ẩm tốt hơn, và ít đỏ hơn (có ý nghĩa thống kê) so với nhóm chứng [6].
4. EGF dạng bôi
Quá trình lành thương có hai sự kiện quan trọng để giúp quá trình lành thương một cách hoàn hảo đó là quá trình tái tạo thượng bì và tăng sinh mô hạt. Hai quá trình này diễn ra có sự tham gia của các yếu tố EGF (yếu tố tăng trưởng thượng bì), FGF và TGFβ. Trong đó EGF đóng vai trò quan trọng nhất. EGF giúp thúc đẩy sự tăng sinh và biệt hóa của các tế bào trung mô và thượng bì, đây là động lực chính của quá trình lành thương và phục hồi da.
Kwon đã tiến hành đánh giá tác dụng của EGF dạng bôi lên vết thương trên da chuột. Trong nghiên cứu của mình ông đã tiến hành so sánh tốc độ lành thường của nhóm vết thương được bôi EGF và nhóm chứng. Kết quả cho thấy tốc độ lành thương từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 12 ở nhóm bôi EGF nhanh hơn nhiều so với nhóm chứng. Phân tích mô bệnh học cho thấy EGF thúc đẩy lành thương thông qua kích thích tăng sinh tế bào thượng bì, nguyên bào sợi và tăng lắng đọng collagen [8].
Ngoài ra nghiên cứu của xiao cũng cho thấy vết thương được điều trị với EGF có lớp bì dày hơn và số lượng tế bào gốc cũng cao hơn so với nhóm chứng. [7]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://www.jidonline.org/article/S0022-202X(15)42119-0/pdf
Chen JD, Lapiere JC, Sauder DN, Peavey C, Woodley DT. Interleukin-1 alpha stimulates keratinocyte migration through an epidermal growth factor/transforming growth factor-alpha-independent pathway. J Invest Dermatol. 1995 May;104(5):729-33. doi: 10.1111/1523-1747.ep12606970. PMID: 7738348.
2. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2151047/
Sauder DN, Kilian PL, McLane JA, Quick TW, Jakubovic H, Davis SC, Eaglstein WH, Mertz PM. Interleukin-1 enhances epidermal wound healing. Lymphokine Res. 1990 Winter;9(4):465-73. PMID: 2151047.
3. https://www.jbc.org/content/262/34/16724.long
Goldring MB, Krane SM. Modulation by recombinant interleukin 1 of synthesis of types I and III collagens and associated procollagen mRNA levels in cultured human cells. J Biol Chem. 1987 Dec 5;262(34):16724-9. PMID: 3500170.
4. https://sci-hub.do/10.1016/j.jaad.2014.01.891
Meckfessel MH, Brandt S. The structure, function, and importance of ceramides in skin and their use as therapeutic agents in skin-care products. J Am Acad Dermatol. 2014 Jul;71(1):177-84. doi: 10.1016/j.jaad.2014.01.891. Epub 2014 Mar 20. PMID: 24656726.
5.https://sci-hub.do/10.1097/01.asw.0000428952.00149.77
Tsuchiya S, Ichioka S, Sekiya N, Tajima S, Iwasaki T, Numata S. The effect of a hydrocolloid dressing containing ceramide-2 on split-thickness wounds in a laser-induced erosion model. Adv Skin Wound Care. 2013 May;26(5):224-9. doi: 10.1097/01.ASW.0000428952.00149.77. PMID: 23591096.
6. Proksch E, Nissen HP. Dexpanthenol enhances skin barrier repair and reduces inflammation after sodium lauryl sulphate-induced irritation. J Dermatolog Treat. 2002 Dec;13(4):173-8. doi: 10.1080/09546630212345674. PMID: 19753737.
7. Fu XB, Sun XQ, Sun TZ, Dong YH, Gu XM, Chen W, Sheng ZY. [Epidermal growth factor stimulates tissue repair in skin through skin stem cell activation]. Zhongguo Xiu Fu Chong Jian Wai Ke Za Zhi. 2002 Jan;16(1):31-5. Chinese. PMID: 11826648.
8. Kwon YB, Kim HW, Roh DH, Yoon SY, Baek RM, Kim JY, Kweon H, Lee KG, Park YH, Lee JH. Topical application of epidermal growth factor accelerates wound healing by myofibroblast proliferation and collagen synthesis in rat. J Vet Sci. 2006 Jun;7(2):105-9. doi: 10.4142/jvs.2006.7.2.105. PMID: 16645332; PMCID: PMC3242099.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét