LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ MỤN AN TOÀN Ở PHỤ NỮ CÓ THAI

DR. PHẠM TĂNG TÙNG

Mụn trứng cá là bệnh lý viêm mạn tính đơn vị nang lông tuyến bã và được đặc trưng bởi các tổn thương viêm (mụn viêm, mụn mủ, nốt mụn) và không viêm (nhân đầu đen và đầu trắng). Mụn trứng cá có thể để lại biến chứng sẹo và tổn thương về tâm lý. Ở phụ nữ có thai, mụn trứng cá thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ nhất nhưng có thể nặng hơn trong thời kì tam cá nguyệt thứ 3 do sự gia tăng nồng độ androgen gây tăng tiết bã nhờn. Ngoài sự thay đổi về hormone, những yếu tố miễn dịch liên quan đến mang thai cũng góp phần gây ra mụn. Đặc điểm của mụn thời kì mang thai đó là mụn viêm thường xuất hiện nhiều hơn so với mụn không viêm và thường xuất hiện ở cả vùng lưng. Bệnh nhân có tiền sử bị mụn trứng cá thường có xu hướng bị mụn trong quá trình mang thai.

Điều trị mụn trứng cá ở bệnh nhân mang thai là một thử thách thực sự vì các lựa chọn điều trị mụn hiệu quả và phổ biến hiện nay thường hoặc là chống chỉ định hoặc là không được khuyến cáo điều trị khi có thai. Do đó, bác sĩ da liễu cần phải nắm phân loại trong thai kỳ (pregnancy classification) theo FDA của các loại thuốc điều trị mụn trứng cá (hình 1). Trong đó không có bất kì thuốc nào đạt được Category A do nghiên cứu lâm sàng trên thai phụ không được phép thực hiện. Category B được xem là an toàn đối với thai phụ. Category C: cân nhắc khi sử dụng, sử dụng nếu lợi ích nhiều hơn so với nguy cơ.  Category D, X: không nên sử dụng ở phụ nữ.


1. Thuốc bôi sử dụng trong thai kì.

Thuốc bôi thuộc Category B: 

- Azelaic acid: kháng khuẩn, ly giải còi mụn, kháng viêm, ức chế tyrosinase (sáng da).

- Clindamycin: kháng khuẩn

- Erythromycin: Kháng khuẩn

Thuốc bôi thuốc Category C nên sử dụng 

Benzoyl peroxide: Kháng khuẩn, ly giải còi mụn, kháng viêm. Benzoyl peroxide sau khi bôi sẽ có khoảng 5% được hấp thu hệ thống, toàn bộ benzyol peroxide sẽ được chuyển hóa thành benzoic acid. Benzoic acid là một loại gia vị trong ăn uống và được đào thải rất nhanh qua thận. Do đó, benzoyl peroxide ít khi gây độc toàn thân và trên lý thuyết rất ít nguy cơ cho thai nhi.

Salicylic acid: Nồng độ thấp trong các sản phẩm như sửa rửa mặt có thể sử dụng (1-5%).


2. Thuốc uống trị mụn trong thai kỳ

Thuộc phân loại Category B có:

- Erythromycin: Erythromycin thuộc nhóm Macrolide, nhóm thuốc này thuộc phân loại B của FDA. Erythromycin qua nhau thai kém, do đó được xem là an toàn trong tất cả các giai đoạn của quá trình mang thai nếu chỉ sử dụng trong thời gian ngắn (dưới 6 tuần). Lưu ý là dạng Erythromycin estolate chống chỉ định ở phụ nữ có thai do có nguy cơ gây độc lên gan ở thai phụ. 

- Azithromycin: Kháng sinh này cũng thuộc nhóm Macrolide (phân loại B). Trong các nghiên cứu trên động vật Azithromycin có thể đi qua nhau thai nhưng không gây ra bất kì ảnh hưởng tiêu cực nào lên thai nhi. Azithromycin có thể là một lựa chọn trong trường hợp điều trị erythromycin không hiệu quả. 

- Cephalexin: Cephalosporin thế hệ 1 này thuộc phân loại B có thể sử dụng trong thời gian mang thai.

- Amoxicillin: Chỉ nên sử dụng ở tam cá nguyệt thứ 2,3. Amoxicillin có thể gây hở hàm ếch nếu sử dụng trong tam cá nguyệt thứ nhất. 

Không sử dụng tetracyclin, doxycycline và minocycline ở phụ nữ có thai do ảnh hưởng đến răng và xương của thai nhi.


3. Hướng dẫn điều trị mụn trứng cá theo độ nặng ở phụ nữ có thai.

Chúng ta có thể tiếp cận điều trị mụn trứng cá ở phụ nữ có thai và cho con bú theo hướng bên dưới. Trong đó azelaic acid và benzoyl peroxide là hoạt chất chính đối với điều trị mụn ẩn và mụn viêm nhẹ. Thuốc bôi kết hợp kháng sinh nhóm B (erythromycin, azithromycin, cephalexin) đối với mụn trứng cá trung bình-nặng. Đối với mụn trứng cá bạo phát (fulminant) có thể sử dụng steroid hệ thống trong thời gian ngắn.


4. Bàn luận

Phụ nữ có thai là đối tượng rất nhạy cảm, do đó việc sử dụng thuốc bôi và thuốc uống ở đối tượng này phải hết sức thận trọng. Với nguyên tắc chung là sử dụng thuốc bôi an toàn, chỉ sử dụng kháng sinh đường uống khi cần thiết nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể. Bên cạnh việc sử dụng thuốc bôi và uống thì tinh chỉnh lối sống và chăm sóc da cơ bản ở phụ nữ có thai cũng đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chien, A. L., Qi, J., Rainer, B., Sachs, D. L., & Helfrich, Y. R. (2016). Treatment of Acne in Pregnancy. The Journal of the American Board of Family Medicine, 29(2), 254–262. doi:10.3122/jabfm.2016.02.150165 

https://sci-hub.do/10.3122/jabfm.2016.02.150165

Pin It

4 nhận xét:

  1. không thấy nhắc tới Adaplene ạ? vì mình cũng từng nghe 1 bác có nói adaplene dùng để trị mụn được trong giai đoạn mang thai

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Adapalene không được khuyến cáo dùng trong mang thai nhé bạn.

      Xóa
  2. Retinol chống chỉ định cho phụ bữ mang thai bạn nhé, gây quái thai, dị tật

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa