CLASCOTERON CREAM 1%- THUỐC BÔI KHÁNG ANDROGEN MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ MỤN (FDA APPROVED)
NEW FDA-APPROVED ANTI-ANDROGEN TOPICAL MEDICATIONS FOR ACNE
DR. PHẠM TĂNG TÙNG
Mụn trứng cá là bệnh mạn tính của đơn vị nang lông tuyến bã. Tỉ lệ mụn trứng cá trong dân số là rất cao. Mụn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và có thể để lại các biến chứng như thâm và sẹo.
Cơ chế mụn trứng cá gồm 4 yếu tố: (1) tăng tiết quá mức bã nhờn, (2) Bất thường trong sừng hóa cổ nang lông (3) vi khuẩn C. acnes và (4) quá trình viêm. Cơ chế điều trị của các thuốc bôi và thuốc uống sẽ đánh trực tiếp vào những cơ chế này.
Androgen (hormone sinh dục) có thủ thể ở các tế bào tuyến bã do dó có vai trò điều tiết sự bài tiết tuyến bã nhờn. Do đó, nội tiết là một trong những yếu tố sinh bệnh học quan trọng của mụn trứng cá. Trong đó nội tiết tố DHT (được chuyển hóa từ testosteron bởi enzyme 5-alpha- reductase) là yếu tố then chốt và là mục tiêu điều trị của các thuốc kháng androgen.
1. Clascoteron là gì?
Clascoteron (hay cortexolone 17 α-propionate) là hoạt chất kháng androgen có cấu trúc tương tự DHT và cơ chế chính của clascoteron trong điều trị mụn trứng cá là cạnh tranh với thụ thể của DHT từ đó giúp giảm tiết bã nhờn và các cytokin tiền viêm. Do đó clascoteron đánh nhiều hơn một cơ chế vào sinh bệnh học của mụn trứng cá.
2. Ưu điểm của clascoteron so với thuốc kháng androgen đường uống
Thuốc uống được sử dụng để ức chế tác dụng androgen trong điều trị mụn trứng cá là thuốc tránh thai (giảm tiết androgen) và spironolacton (ức chế thụ thể). Mặc dù có hiệu quả điều trị mụn tốt, hai loại thuốc này không thể sử dụng ở nam giới do một loạt các tác dụng phụ như: nữ hóa, liệt dương, vú to ở đàn ông. Ngoài ra, hai loại thuốc này chống chỉ định ở phụ nữ có thai.
Mặc khác thuốc bôi clascoteron sau khi được bôi lên da sẽ chuyển hóa thành cortexolone, một hoạt chất chuyển hóa bất hoạt, do đó hạn chế hấp thu vào cơ thể. Điều này khiến clascoteron có thể sử dụng ở cả nam giới. Ngoài ra việc sử dụng thuốc dạng bôi mang lại nhiều tiện lợi cho bệnh nhân khi sử dụng.
3. Hiệu quả lâm sàng và mức độ an toàn của clascoteron
Hai thử nghiệm lâm sàng rất lớn đã được tiến hành nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của clascoteron trong điều trị mụn trứng cá. Có 1440 bệnh nhân, gồm cả nam và nữ (không mang thai) bị mụn trứng cá ở mức độ vừa và nặng tham gia vào hai thử nghiệm lâm sàng. Những bệnh nhân này được chia thành nhóm chứng và nhóm điều trị clascoteron cream 1%, bôi hai lần mỗi ngày với lượng 1g, trong vòng 12 tuần.
Kết quả, sau 12 tuần tỉ lệ điều trị thành công ở nhóm bôi clascoteron lần lượt là 18.4% và 20.3% so với nhóm chứng là 9% và 6.5%, sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê (p<0.001). Đồng thời số lượng tổn thương mụn viêm và không viêm cũng giảm đáng kể so với nhóm chứng (p<0.001). Không có tác dụng phụ toàn thân và tại chỗ sau 12 tuần điều trị clascoteron ở những bệnh nhân này.
4. So sánh hiệu quả của clascoteron và tretinoin
Trifu và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng so sánh hiệu quả của clascoterone cream 1% với tretinoin cream 0.05 và kết luận rằng clascoterone mang lại hiệu quả lâm sàng tốt hơn về khả năng làm giảm tổng số tổn thương mụn và số lượng tổn thương mụn viêm. Tuy nhiên không có sự khác biệt về thang điểm độ nặng của mụn trứng cá và thang điểm đánh giá sự cải thiện trong điều trị mụn trứng cá (IGA). Về tính an toàn, không có tác dụng phụ mang tính hệ thống nào ở cả hai loại thuốc bôi, tuy nhiên clascoterone có tính dung nạp tốt hơn so với tretinoin (tretinoin có mức độ kích ứng cao hơn như, khô da, tróc vảy, đỏ, ngứa...).
5. Clascoteron - FDA approval
Tháng 8/ 2020 Clascoterone cream 1% (tên thương mại là Winlevi) đã được FDA (Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận vào hồi tháng 8 năm 2020.
Thuốc được chỉ định cho người lớn và trẻ nhỏ >12 tuổi bị mụn trứng cá.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hebert A, Thiboutot D, Stein Gold L, Cartwright M, Gerloni M, Fragasso E, Mazzetti A. Efficacy and Safety of Topical Clascoterone Cream, 1%, for Treatment in Patients With Facial Acne: Two Phase 3 Randomized Clinical Trials. JAMA Dermatol. 2020 Jun 1;156(6):621-630. doi: 10.1001/jamadermatol.2020.0465. PMID: 32320027; PMCID: PMC7177662.
https://sci-hub.do/10.1001/jamadermatol.2020.0465
Alkhodaidi ST, Al Hawsawi KA, Alkhudaidi IT, Magzoub D, Abu-Zaid A. Efficacy and safety of topical clascoterone cream for treatment of acne vulgaris: A systematic review and meta-analysis of randomized placebo-controlled trials. Dermatol Ther. 2021 Jan;34(1):e14609. doi: 10.1111/dth.14609. Epub 2020 Dec 11. PMID: 33258536.
https://sci-hub.do/10.1111/dth.14609
Trifu V, Tiplica GS, Naumescu E, Zalupca L, Moro L, Celasco G. Cortexolone 17α-propionate 1% cream, a new potent antiandrogen for topical treatment of acne vulgaris. A pilot randomized, double-blind comparative study vs. placebo and tretinoin 0·05% cream. Br J Dermatol. 2011;165(1):177-183.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét