LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020




Giới thiệu

Những năm trở lại đây, sự ra đời của laser sắc tố (QS Nd:YAG 1064-nm) trở thành phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, việc sử dụng laser dường như trở thành first-line trong điều trị nám (phác đồ chuẩn trên thế giới thì laser là điều trị third-line đối với nám kháng trị kem bôi và peel hóa chất), hơn nữa còn được sử dụng với tần suất dày đặc. Một số nơi bắn laser toning hàng tuần, thậm chí còn có nơi bắn hàng ngày.

Bắn chế độ toning (chế độ bắn spot size lớn 6-10 mm, năng lượng thấp 0.8-2 J/cm2) (Swapnil 2019) [1] là phương pháp điều trị nám được dùng phổ biến hiện nay. Mặc dù an toàn hơn với chế độ bắn truyền thống nhưng biến chứng là không thể tránh khỏi, đặc biệt đối với những bệnh nhân được điều trị với tần suất bắn laser dày, tổng số lần bắn nhiều.

Trong nghiên cứu của Brian [2] ,2017: 23 bệnh nhân (Fitzpatrick type III) được điều trị nám bằng laser toning QS Nd: YAG 1064 nm (spot size 10 mm, fluence 2.0 J/cm2, 12 Hz, 1 pass full-face, multiple pass on melisma area, end point: hồng ban), liệu trình điều trị 3 lần mỗi tuần trong 2 tháng liên tục. Kết quả điều trị sau 2 tháng: Nám có giảm, nhưng cả 23 bệnh nhân đều bị giảm sắc tố dạng đốm.

Trong nghiên cứu của Yisheng [3] 2015: báo cáo 1 trường hợp bệnh nhân bị giảm sắc tố dạng đốm sau liệu trình laser toning với laser QS Nd: YAG 1064 với liệu trình điều trị hàng tuần, sau đó hàng ngày trong 2-3 tháng.

Mô bệnh học

Để hiểu sâu hơn về tình trạng mất sắc tố, chúng ta phải đi sâu vào phân tích mô bệnh học của những trường hợp mất sắc tố dạng đốm này. Có rất nhiều phân tích mô bệnh học được tiến hành bởi nhiều tác giả trên thế giới. Nhưng nhìn chung tất cả vấn đề đều liên quan đến câu hỏi liệu mất sắc tố là do mất melanin hay do sự hủy diệt của các tế bào melanocyte? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy lượt qua một số kết quả nghiên cứu sau đây.

Nghiên cứu của Yong [4] 2015 kết luận: tế bào melanocyte vẫn được bảo tồn (không biết có giảm số lượng hay không), có sự biến mất hoàn toàn của melanin và melanosome (do sự cản trở quá trình sinh tổng hợp melanin dẫn đến việc không thể tạo thành các melanosome trưởng thành)
Nghiên cứu của Kim [5] 2015: mô bệnh học cho thấy có sự giảm số lượng các tế bào melanocyte
Nghiên cứu của Kim [6] 2013 kết luận rằng số lượng tế bào melanocyte vẫn được bảo tồn, tuy nhiên các cấu trúc melanosome bị tiêu diệt gần hết, đồng thời làm mất khả năng sinh tổng hợp melanin của các tế bào này bằng cách can thiệp vào các yếu tố như tyrosinase, TRP-1, TRP-2.

Trong nghiên cứu của Yisheng [7] 2015: kết quả mô bệnh học cho thấy có số lượng tế bào melanocyte tại vùng giảm sắc tố ít hơn so với vùng da thường và vùng da bị nám, các tua gai của tế bào bị teo đáng kể, các cấu trúc melanosome bị tiêu hủy gần hết.
Từ các nghiên cứu trên ta có thể đưa ra kết luận rằng:
(1)   Tại vùng mất sắc tố, vẫn tồn tại các tế bào melanocyte, tuy nhiên chúng bị giảm số lượng và bị ức chế khả năng sinh tổng hợp melanin. Do đó, mất sắc tố dạng đốm có khả năng phục hồi, không tồn tại vĩnh viễn tuy nhiên cần thời gian rất lâu.
(2)   Các cấu trúc melanosome bị phá hủy gần như toàn bộ tại vùng này.

Điều trị

Giảm sắc tố dạng đốm do điều trị nám bằng laser thường không đáp ứng tốt với điều trị. Tình trạng giảm sắc tố có thể kéo dài đến vài năm dù có rất nhiều phương pháp điều trị như corticosteroid bôi, tacrolimus bôi hay điều trị bằng narrowband UVB.

Jung, 2017, [8] đã báo cáo một ca lâm sàng điều trị thành công bằng 308-nm excimer laser: Một bệnh nhân bị giảm sắc tố sau điều trị bớt café sữa, sau 3 năm không có thay đổi gì về màu sắc và kích thước. Bệnh nhân được điều trị bằng laser excimer 308-nm, 2 lần mỗi tuần, mật độ năng lượng bắt đầu là 175 mJ/cm2, sau mỗi lần tăng thêm 25 mJ/cm2 nữa. Quá trình phục hồi sắc tố bắt đầu sau lần điều trị thứ 10, và phục hồi hoàn toàn sau 58 lần điều trị trong tổng cộng 7 tháng.

Mysore, 2013, [9] cũng đã báo cáo một trường hợp giảm sắc tố sau laser được điều trị thành công bằng narrowband UVB.

Khuyến cáo

Biến chứng giảm sắc tố dạng đốm có thể xảy ra với tỉ lệ rất cao như trong nghiên cứu của Tian B [2], tuy nhiên nếu điều trị với tần suất phù hợp thì tỉ lệ biến chứng này không nhiều. Do đó khuyến cáo được đưa ra là.
  1.       Khoảng cách tối thiểu giữa các lần điều trị là 2 tuần
  2.       Nên sử dụng spot size 10 mm và tránh bị lặp pass quá nhiều khi điều trị. [1]
  3.       Hạn chế tối đa số lần điều trị

d   DR. PHẠM TĂNG TÙNG


TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1.    Swapnil D. Shah. Laser toning in Melasma. J Cutan Aesthet Surg. 2019 Apr-Jun; 12(2): 76–84.
  2.  Tian B. The Asian problem of frequent laser toning for melasma. J Clin Aesthet Dermatol. 2017;10:40–2.
  3.   Wong Y, Lee SS, Goh CL. Hypopigmentation induced by frequent low-fluence, large-spot-size QS nd:YAG laser treatments. Ann Dermatol. 2015;27:751–5.
  4. Jang YH, Park JY, Park YJ, Kang HY. Changes in melanin and melanocytes in mottled hypopigmentation after low-fluence 1,064-nm Q-switched nd:YAG laser treatment for melasma. Ann Dermatol. 2015;27:340–2.
  5. Kim T, Cho SB, Oh SH. Punctate leucoderma after 1,064-nm Q-switched neodymium-doped yttrium aluminum garnet laser with low-fluence therapy: is it melanocytopenic or melanopenic? Dermatol Surg. 2010;36:1790–1.
  6. Kim JE, Chang SE, Yeo UC, Haw S, Kim IH. Histopathological study of the treatment of melasma lesions using a low- fluence Q-switched 1064-nm neodymium:yttrium-aluminium- garnet laser. Clin Exp Dermatol 2013;38:167-171.
  7. Wong Y, Lee SS, Goh CL. Hypopigmentation induced by frequent low-fluence, large-spot-size QS nd:YAG laser treatments. Ann Dermatol. 2015;27:751–5.
  8.  Jung. Treatment of laser therapy- induced punctate leukoderma Using a 308-nm Excimer laser. Ann Dermatol. 2017 Oct; 29(5): 630–632.
  9. Mysore. Successful treatment of Laser induced hypopigmentation with Narrowband Ultraviolet B Targeted Therapy. J Cutan Aesthet Surg. 2013 Apr-Jun; 6(2): 117–119.


Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét