LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020



CASE REPORT



Một bệnh nhân nam 20 tuổi vào viện vì nhiều sẩn viêm, mụn mủ, kích thước 1-2 mm, đồng dạng kèm ngứa ở vùng lưng và ngực. Các dấu hiệu này đã xuất hiện đồng loạt cách đây 3 tháng, bệnh nhân đã đi khám 2 lần và được điều trị kháng sinh (không rõ loại) nhưng không thấy đỡ. Không có tiền sử sử dụng corticoid hệ thống. Bệnh nhân làm công nhân may, môi trường làm việc nóng ,chảy nhiều mồ hôi, đầu hay có gầu. Chẩn đoán: viêm nang lông do malassezia (Malassezia folliculitis), điều trị bằng kháng nấm itraconazole 1 tuần, bệnh nhân tái khám sau 1 tháng. Kết quả điều trị : tổn thương viêm giảm trên 80 % (đánh giá bằng ảnh chụp trước và sau điều trị), bệnh nhân không còn ngứa

TẠI SAO LẠI CHẨN ĐOÁN LÀ VIÊM NANG LÔNG DO MALASSEZIA? 

Các chẩn đoán được đặt ra trên bệnh nhân này:
TH1: Viêm nang lông (do malassezia hoặc do vi khuẩn)
TH2: Phát ban mụn trứng cá do sử dụng corticosteroid
TH3: Mụn trứng cá ở lưng

Phân tích: Nhìn kĩ sang thương da chúng ta không nghĩ nhiều đến mụn trứng cá (chưa loại trừ chẩn đoán) vì tổn thương trong mụn trứng cá thường đa dạng (nhân mụn đầu đen, đầu trắng, sẩn viêm, mụn mủ....) và không ngứa trong khi bệnh nhân không thấy nhân mụn đầu đen và đầu trắng (blackhead and whitehead) và ngứa nhiều. Bệnh nhân cũng không có tiền sử điều trị corticosteroid hệ thống hoặc thuốc bôi nên cũng không nghĩ nhiều đến phát ban do sử dụng corticosteroid. Vậy chẩn đoán nhiều khả năng nhất đó là viêm nang lông. Trong case này mình nghĩ nhiều đến viêm nang lông do malassezia vì bệnh nhân (1) ngứa nhiều (2) điều trị kháng sinh nhưng không đỡ (3) đầu có gầu (biểu hiện của viêm da dầu). Do đó quyết định điều trị kháng nấm luôn.

MALASSEZIA- TÁC NHÂN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÃNG QUÊN

Malassezia là một loại nấm sống kí sinh bình thường trên da, gồm 14 chủng loại đa số có ái tính với lipid, sống tập trung ở vùng nhiều tuyến bã nhờn như vùng đầu, trán, lưng... Loài này thường là tác nhân có liên quan đến nhiều bệnh lí về da như viêm da dầu, viêm nang lông (pityrosporum folliculitis hoặc malassezia folliculitis), lang ben (tinea versicolor) và kể cả viêm da cơ địa (atopic dermatitis) [1-2].

Trong nghiên cứu của Murat ở Turkey có 45/264 bệnh nhân viêm nang lông được chẩn đoán do malassezia (18,5%) [3]
Trong nghiên cứu của Yu HJ trên 80% bệnh nhân phát ban dạng mụn trứng cá do sử dụng corticoid hệ thống phát hiện có malassezia [4].
Cơ chế gây viêm của malassezia tương tự trong mụn trứng cá đó là kích thích keratinocyte tiết các cytokines viêm thông qua thụ thể toll-like receptor 2. Do đó đặc điểm mô bệnh học của mallassezia và mụn trứng cá hoàn toàn giống nhau. [5]

CHẨN ĐOÁN VIÊM NANG LÔNG DO MALASSEZIA

Chẩn đoán lâm sàng [5] a. Sẩn viêm, mụn mủ đồng dạng, kèm ngứa phân bố chủ yếu ở vùng trán (thường bị đến vùng chân tóc) và vùng lưng b. Tiền sử điều trị kháng sinh, corticoid c. Kèm theo viêm da dầu (seborrheic dermatitis) hoặc lang ben (tinea versicolor) Trong một nghiên cứu hồi cứu trên 110 bệnh nhân bị viêm nang lông do malassezia thấy: 95% những bệnh nhân này điều trị bằng kháng sinh bôi, 85% điều trị bằng kháng sinh đường uống, 65% có triệu chứng ngứa và 20% kèm theo các bệnh như viêm da dầu và lang ben [5]. Tỉ lệ bệnh nhân có ngứa trong nghiên cứu của Murat là 79,6 % [3] Xét nghiệm tìm mallassezia: các biện pháp đơn giản và dễ dàng hiện nay để chẩn đoán là xét nghiệm KOH và so đèn wood Trong nghiên cứu của Murat durdu khi oi dưới ánh sáng đèn wood sẽ phát sáng màu vàng-xanh trong 66,7% trong các bệnh nhân bị viêm nang lông do malassezia (được chẩn đoán bằng nhuộm KOH và nuôi cấy). [3]

ĐIỀU TRỊ

Có thể điều trị viêm nang lông do malassezia bằng kháng nấm tại chỗ (dầu gội ketoconazole hoặc selenium sulfide) hoặc kháng nấm hệ thống (fluconazole và itraconazole) [6] Tham khảo hướng dẫn điều trị trong hình.


KẾT LUẬN: hãy nghĩ đến malassezia khi điều trị mụn trứng cá và viêm nang lông không mang lại hiệu quả theo phác đồ điều trị thông thường.

Mọi chia sẽ vui lòng dẫn nguồn
DR. PHẠM TĂNG TÙNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thayikkannu, Ambujavalli Balakrishnan et al. “Malassezia-Can it be Ignored?.” Indian journal of dermatology vol. 60,4 (2015): 332-9. doi:10.4103/0019-5154.160475
2. Harada K, Saito M, Sugita T, Tsuboi R. 2015. Malassezia species and their associated skin diseases. J Dermatol 42:250–257. doi:10.1111/1346-8138.12700.
3. Durdu M, Guran M , Ilkit M. Epidemiological characteristics of Malassezia folliculitis and use of the May-Grunwald-Giemsa stain to diagnose the infection. Diagnostic microbiology and infectious disease 2013;76:450-457
 4. Yu HJ, Lee SK, Son SJ, et al. Steroid acne vs Pityrosporum folliculitis: the incidence of Pityrosporum ovale and the effect of antifungal drugs in steroid acne. Int J Dermatol. 1998;37:772–777.
5. Prindaville B, Belazarian L, Levin NA, Wiss K, Pityrosporum Folliculitis: A Retrospective Review of 110 Cases, Journal of the American Academy of Dermatology (2017), doi: 10.1016/j.jaad.2017.11.022.
6. Hald M, Arendrup MC, Svejgaard EL, Lindskov R, Foged EK, Saunte DM. 2015. Evidence-based Danish guidelines for the treatment of Malassezia-related skin diseases. Acta Derm Venereol 95:12–19. doi:10.2340/00015555-1825

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét