LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020



Giới thiệu về vitamin C
Vitamin C là một trong những yếu tố quan trọng của hệ miễn dịch trong cơ thể. Tuy nhiên hàm lượng vitamin C trên da không nhiều, và chỉ được cấp bởi một phần rất nhỏ thông qua ăn uống. Vitamin C tan trong nước, không ổn định và tích điện. Do không ổn định, vitamin C có rất nhiều dạng và dẫn xuất khác nhau, cũng như khả năng hấp thụ khác nhau.

Dạng hoạt tính và các yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp thu
Do ưu nước và tích điện nên vitamin C dạng bôi rất khó được hấp thu qua da vì lớp sừng thượng bì là lớp ưa dầu và kị nước. Vitamin C có các dạng hoạt tính như L-ascorbic acid, ascorbyl-6-palmitate and magnesium ascorbyl phosphate (MAP). Trong đó L-ascorbic acid là dạng có hoạt tính sinh học cao nhất và được nghiên cứu kĩ lưỡng hơn cả. pH là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của L-ascorbic acid, nhiều nghiên cứu cho thấy độ pH acid dưới 3.5 làm tăng khả năng hấp thụ của vitamin C. Ngoài ra nồng độ vitamin C trong các sản phẩm bôi ngoài da cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thu cũng như tác dụng của nó. Nồng độ tối thiểu để vitamin C bôi có hiệu quả là trên 8%. Tác dụng của vitamin C tỉ lệ thuận với nồng độ của nó, tuy nhiên khi đạt nồng độ trên 20% dường như không làm tăng thêm hoạt tính của vitamin C. Do đó, các sản phẩm vitamin C hiện nay chủ yếu chứa vitamin C nồng độ 10% đến 20%. Dạng bào chế của vitamin C cũng ảnh hưởng tới hoạt tính của nó, hiện có rất nhiều dạng bào chế khác nhau như dạng kem, serum, miếng dán. Tuy nhiên chỉ có dạng serum là chứa vitamin C có hoạt tính.

Chất chống oxi hóa mạnh mẽ
Vitamin C được biết đến như là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, nó có khả năng trung hòa các gốc tự do hình thành trên da dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Dưới tác dụng của tia UV, các gốc tự do (ROS) được hình thành, sẽ kích thích các phản ứng làm tăng enzyme MMPs (matrix metalloprotease). Enzyme này là yếu tố gây nên sự bẻ gãy và thoái hóa các sợi collagen, từ đó đưa đến sự già hóa (aging) với các biểu hiện tăng sắc tố, nếp nhăn, da chảy xệ, thoái hóa mô đàn hồi.
Bình thường, kem chống nắng chỉ có tác dụng ngăn cản hoặc trung hòa tia UV mà không có khả năng chống lại các gốc tự do. Do đó, việc sử dụng vitamin C đồng thời với kem chống nắng có vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ và chống lão hóa da.

Vitamin C và sự sinh tổng hợp collagen
Vitamin C đóng vai trò trong việc ổn định cấu trúc collagen. Đồng thời, vitamin C ảnh hưởng tới quá trình tổng hợp collagen I, III thông qua việc làm tăng biểu hiệu của gen tổng hợp collagen. Ngoài ra, nó còn giúp làm giảm sự thoái biến của collagen thông qua việc làm tăng tổng hợp chất ức chế enzyme matrix metalloprotease (MMP1).

Chất chống tăng sắc tố
Các chất chống tăng sắc tố ảnh hưởng đến sự hình thành sắc tố thông qua hai cơ chế là tác động gây độc lên tế bào melanocytes hoặc ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp melanin và vận chuyển melanin từ melanocytes vào tế bào sừng. Vitamin C thể hiện hoạt tính của nó theo cơ chế thứ hai thông qua việc ức chế enzyme tyrosinase. Từ đó giúp da sáng và đều màu hơn.

Vitamin C và khả năng chống viêm
NFkB là chất đóng vai trò trong cơ chế hình thành các cytokine viêm như IL1, IL6, IL8, TNF-α. Vitamin C có khả năng ức chế chất này do đó nó có tác dụng kháng viêm tốt và có thể sử dụng trong các trường hợp mụn trứng cá thông thường hoặc mụn trứng cá đỏ.

Công thức phối hợp gia tăng hoạt tính của vitamin C
Vitamin C+ Vitamin E: Cả vitamin C và vitamin E đều là chất chống oxi hóa mạnh, tuy nhiên cũng giống như vitamin C, vitamin E không ổn định dưới ánh sáng mặt trời. Khi phối hợp vitamin C và vitamin E khả năng bảo vệ da tăng lên gấp 4 lần nhờ tác dụng hiệp lực của hai chất và khả năng tái tạo trở lại vitamin E của vitamin C.
Công thức C+ E+ Ferulic acid: Khi phối hợp 5% ferulic acid với 15% vitamin C, 1% Vitamin E sẽ làm tăng hoạt tính của vitamin C lên gấp 8 lần. Đây là một trong những công thức được sử dụng để bào chế các dạng Serum C hiện nay.
Ngoài ra còn nhiều chất khác có khả năng làm tăng hoạt tính của vitamin C như glutathione, ubiquinol…

Sử dụng vitamin C như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu
Bước đầu tiên để có thể thu được nhiều lợi ích từ vitamin C đó là lựa chọn sản phẩm đạt chất lượng. Dựa trên các yếu tố đó là dạng bào chế, nồng độ phần trăm, độ pH và công thức phối hợp, tôi xin đề xuất các sản phẩm serum C của Skinceutical, Obagi Medical và Timeless. Skinceutical serum C được sản xuất theo công thức C+ E+ ferulic acid, Obagi serum C được sản xuất với công nghệ đặc biệt đảm bảo độ pH và khả năng hấp thu của vitamin C. Tuy nhiên nhược điểm của hai hãng này là giá thành khá đắt. Timeless giá mềm hơn và cũng được bào chế theo công thức C + E+ ferulic acid, tuy nhiên nó không ổn định, dễ bị oxi hóa (chuyển thành màu vàng khi sử dụng).
Để đảm bảo serum C được hấp thu tốt và thực hiện được các chức năng của nó, nên bôi serum C 1-2 lần trong ngày với liều lượng 4-5 giọt. Nếu chỉ bôi một lần thì nên bôi vào buổi sáng trước bước khi bôi chống nắng để đảm bảo hoạt tính chống oxi hóa của nó.
Các quan điểm chưa đúng khi sử dụng serum C
Không nên sử dụng serum C vào buổi sáng. Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm vì nhiều nghiên cứu cho rằng hoạt tính chống oxi hóa chỉ có tác dụng khi bôi vitamin C trước khi ra nắng.
Không được sử dụng vitamin C với retinol và AHA, BHA. Điều này chỉ đúng nếu bạn thuộc type da nhạy cảm, cũng giống như retinol, AHA, BHA vitamin C nồng độ cao có khả năng gây kích ứng da, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể sử dụng chung các sản phẩm này với nhau.

BS. Phạm Tăng Tùng
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Telang PS. Vitamin C in dermatology. Indian Dermatol Online J. 2013;4(2):143–6.
2. Al-Niaimi F, Chiang NYZ. Topical vitamin C and the skin: mechanisms of action and clinical applications. J Clin Aesthet Dermatol. 2017;10(7):14–17
3. Farris PK. Cosmetical vitamins: vitamin C. In: Draelos ZD, Dover JS, Alam M, editors. Cosmoceuticals. Procedures in Cosmetic Dermatology. 2nd ed. New York: Saunders Elsevier; 2009. pp. 51–56.

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét