LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020


COSMETIC TREATMENT FOR ACNE


Mụn trứng cá là một trong những bệnh lí da phổ biến nhất hiện nay. Phác đồ điều trị mụn trứng cá hiện nay gồm thuốc bôi như: retinoids (adapalen, retinol, tretinoin), benzoyl peroxide, azelaic acid, kháng sinh bôi; và thuốc uống như: kháng sinh và isotretinoin. Ngoài những thuốc bôi và uống nêu trên, còn có rất nhiều hoạt chất OTC (thuốc không cần kê đơn) khác được sử dụng trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm điều trị mụn có trên thị trường hiện nay. Trong khuôn khổ bài viết này tôi sẽ trình bày cơ chế và các bằng chứng lâm sàng về hiệu quả của những hoạt chất này.



1.Vitamin C

Vitamin C là chất chống oxi hóa mạnh, giúp trung hòa các gốc tự do. Đóng vai trò như là một chất chống oxi hóa, vitamin C được cho là có khả năng ngăn chặn quá trình oxi hóa bã nhờn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sừng hóa cổ nang lông và gây viêm. Các nghiên cứu cho thấy vitamin C có khả năng ngăn chặn quá trình oxi hóa bã nhờn bởi tia UVA đến 40%. Hơn nữa, một số nghiên cứu trong ống nghiệm (nghiên cứu invitro) cũng đã chứng minh được khả năng tiêu diệt vi khuẩn P. acne của vitamin C.

Vitamin C có nhiều dạng khác nhau, dạng vitamin C được sử dụng và nghiên cứu nhiều trong điều trị mụn trứng cá là SAP (sodium ascorbyl phosphate).
Một thử nghiệm lâm sàng của Ruamrak đã được tiến hành trên 45 bệnh nhân bị mụn trứng cá, nhằm so sánh hiệu quả điều trị riêng biệt và phối hợp của SAP (sodium ascorbyl phosphate) lotion 5% và retinol 0.2%. Kết quả cho thấy số lượng tổn thương viêm giảm trên 20% sau 4 tuần, gần 50% sau 8 tuần đối với mỗi sản phẩm. Khi điều trị phối hợp hiệu quả đạt được sau 4 và 8 tuần lần lượt là gần 29,28% và 63.1% [1]
Một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, có đối chứng khác trên 50 bệnh nhân bị mụn trứng cá đã cho thấy được hiệu quả của sodium ascorbyl phosphate trong điều trị mụn trứng cá. Sau 12 tuần điều trị, tổn thương mụn được cải thiện rõ rệt [2].

Gần đây của Khan (2017) đã chứng minh được khả năng giảm tiết dầu khi phối hợp bôi Ascorbyl Palmitate và SAP trong một nghiên cứu hai nửa mặt trên 11 tình nguyện viên [3].

2. Kẽm

Trong cơ thể kẽm đóng vai trò như là co-factor trong các con đường chuyển hóa liên quan đến sự phát triển của tế bào và cân bằng nội mô. Ngoài ra kẽm còn là một chất chống oxi hóa và kháng viêm. Vai trò của Kẽm trong mụn trứng cá được cho là dựa trên hoạt tính giảm tiết bã nhờn và khả năng kiềm khuẩn đối với vi khuẩn gây mụn trứng cá P. acnes.

Kẽm dạng bôi và dạng uống đều có tác dụng lên mụn trứng cá. Dạng uống phổ biến của kẽm là kẽm gluconate sử dụng liều 200mg mỗi ngày, và kẽm sulfate 400-600mg mỗi ngày.

Nghiên cứu tổng quan (review) của Cervantes (2017) đã tiến hành đánh giá 12 nghiên cứu sử dụng kẽm như liệu pháp đơn trị liệu trong điều trị mụn. Gồm 11 nghiên cứu về kẽm dạng uống, 8 nghiên cứu về zinc sulfate, 3 nghiên cứu về zinc gluconate và 1 nghiên cứu đánh giá kẽm sulfate dạng bôi. 8/12 nghiên cứu này khẳng định hiệu quả tích cực của kẽm lên mụn trứng cá [4].

Một thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, mù đôi, có đối chứng trên 332 bệnh nhân nhằm so sánh hiệu quả của kẽm (dùng 30mg mỗi ngày) so với minocycline (100mg mỗi ngày). Sau 12 tuần, 31,2% bệnh nhân ở nhóm sử dụng kẽm, và 63.4% bệnh nhân ở nhóm sử dụng minocycline điều trị thành công [5].


 3. Niacinamide

Niacinamide, hay còn gọi là vitamin B3, là một trong những thành phần mỹ phẩm được yêu thích. Đây là hoạt chất đa tác dụng, có vai trò tích cực trong làm sáng da, giảm nếp nhăn, giảm viêm và kiềm dầu, phục hồi chức năng hàng rào da. Chính nhờ khả năng ức chế các cytokine viêm như IL8, giảm tiết dầu, phục hồi chức năng hàng rào da mà Niacinamide đã trở thành một chất tiềm năng trong điều trị mụn trứng cá.
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng trên 60 bệnh nhân mụn trứng cá đã được thực hiện. Những bệnh nhân này được chia thành hai nhóm và được điều trị với niacinamide dạng bôi 5% hoặc clindamycin 2%. Kết quả cho thấy cả hai nhóm bệnh nhân đều giảm mụn rõ rệt (p<0.0001) so với ban đầu và không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm [6].

Một nghiên cứu tương tự được tiến hành bởi Khodaeiani trên 80% cũng cho thấy hiệu quả tương đương giữa niacinamide 4% và clindamycin 1%.Ngoài ra nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng niacinamide có hiệu quả ưu thế lên nhóm bệnh nhân da dầu, trong khi clindamycin ưu thế lên bệnh nhân da khô [7].

4. Tea tree oil

Tea tree oil hay còn gọi là melaleuca oil, được tách chiết từ lá của cây melaleuca alternifolia và là một chất có hoạt tính kháng khuẩn mạnh.
Một thử nghiệm lâm sàng mù đơn được tiến hành trên 124 bệnh nhân để so sánh hiệu quả của tea tree oil 5% với benzoyl peroxide. Kết quả cho thấy cả hai nhóm bệnh nhân đều có sự cải thiện đáng kể về số lượng tổn thương viêm và không viêm. Tuy nhiên tea tree oil bắt đầu cho thấy hiệu quả muộn hơn so với benzoyl peroxide, nhưng tác dụng phụ lại ít hơn nhiều so với benzoyl peroxide.

(còn nữa)
 DR. PHẠM TĂNG TÙNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Ruamrak C, Lourith N, Natakankitkul S. Comparison of clinical efficacies of sodium ascorbyl phosphate, retinol and their combination in acne treatment. Int J Cosmet Sci. 2009;31(1):41–46. doi:10.1111/j.1468-2494.2008.00479.x
2.    Woolery-Lloyd H, Baumann L, Ikeno H. Sodium L-ascorbyl-2-phosphate 5% lotion for the treatment of acne vulgaris: a randomized, double-blind, controlled trial. J Cosmet Dermatol. 2010;9(1):22–27. doi:10.1111/j.1473-2165.2010.00480.x
3.    Khan H, Akhtar N, Ali A. Assessment of Combined Ascorbyl Palmitate (AP) and Sodium Ascorbyl Phosphate (SAP) on Facial Skin Sebum Control in Female Healthy Volunteers. Drug Res (Stuttg). 2017;67(1):52–58. doi:10.1055/s-0042-118171
4.    Cervantes J, Eber AE, Perper M, Nascimento VM, Nouri K, Keri JE. The role of zinc in the treatment of acne: A review of the literature. Dermatol Ther. 2018;31(1):10.1111/dth.12576. doi:10.1111/dth.12576
5.    Dreno B, Moyse D, Alirezai M, et al. Multicenter randomized comparative double-blind controlled clinical trial of the safety and efficacy of zinc gluconate versus minocycline hydrochloride in the treatment of inflammatory acne vulgaris. Dermatology. 2001;203(2):135–140. doi:10.1159/000051728
6.    Shahmoradi Z, Iraji F, Siadat AH, Ghorbaini A. Comparison of topical 5% nicotinamid gel versus 2% clindamycin gel in the treatment of the mild-moderate acne vulgaris: A double-blinded randomized clinical trial. J Res Med Sci. 2013;18(2):115–117.
7.    Khodaeiani E, Fouladi RF, Amirnia M, Saeidi M, Karimi ER. Topical 4% nicotinamide vs. 1% clindamycin in moderate inflammatory acne vulgaris. Int J Dermatol. 2013;52(8):999–1004. doi:10.1111/ijd.12002
8.    Bassett IB, Pannowitz DL, Barnetson RS. A comparative study of tea-tree oil versus benzoylperoxide in the treatment of acne. Med J Aust. 1990;153(8):455–458.

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét