LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020





Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị ngoài việc chẩn đoán và đưa ra liệu trình điều trị chính xác thì mức độ tuân thủ của bệnh nhân là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Mụn trứng cá là bệnh lý da mạn tính, đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài, hiệu quả thường đến chậm. Do đó, mức độ tuân thủ ở nhóm bệnh nhân này rất thấp và trở thành một trong những vấn đề lớn của các bác sĩ da liễu hiện nay.

Một khảo sát của Miyachi trên 428 bệnh nhân bị mụn cho thấy, 76% kém tuân thủ điều trị chung, và 52% kém tuân thủ đối với thuốc bôi trị mụn [1]. Một nghiên cứu hồi cứu lớn khác trên 24,438 bệnh nhân bị mụn trứng cá (89% bệnh nhân dưới 18 tuổi) thì chỉ có khoảng 12% bệnh nhân tuân thủ điều trị [2].

Những yếu tố góp phần đưa đến sự không tuân thủ điều trị của bệnh nhân mụn trứng cá gồm: thiếu giáo dục bệnh nhân, tác dụng phụ của thuốc, phác đồ điều trị quá phức tạp, mức độ hài lòng của bệnh nhân, chi phí điều trị và lối sống bận rộn [3].

Câu hỏi đặt ra là chúng ta, những bác sĩ da liễu, phải làm gì để tăng mức độ tuân thủ điều trị của bện nhân, qua đó gián tiếp làm tăng tỉ lệ thành công trong điều trị.

1.     Đơn giản hóa liệu trình điều trị.

Một nghiên cứu được tiến hành trên 26 bệnh nhân bị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình được cho sử dụng hoặc 1 kem bôi phối hợp (clindamycin+ tretinoin) hoặc dùng phối hợp 2 loại kem bôi (1 tube clindamycin, 1 tube tretinoin). Mức độ tuân thủ điều trị được đánh giá sau 12 tuần của nhóm dùng kem phối hợp là 88% và nhóm dùng riêng lẻ là 61%. [4].

2.     Giáo dục bệnh nhân

Đây là một trong những phần rất quan trọng, ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Thứ nhất, cần giải thích nguyên nhân bệnh sinh và lý giải tại sao lại sử dụng phác đồ điều trị như vậy. Thứ 2, cần nhấn mạnh được vai trò của việc điều trị duy trì bằng thuốc bôi, cũng như thời gian để có thể thấy hiệu quả của điều trị. Thứ 3, cần mô tả, hướng dẫn cụ thể cách sử dụng thuốc bôi, có thể làm video để hướng dẫn bệnh nhân. Thứ 4, cần điều chỉnh mong muốn của bệnh nhân theo hiệu quả thực tế nếu bệnh nhân có mong muốn quá mức thực tế (rất phổ biến ở người trẻ tuổi). Thứ 5, cần ghi rõ, giải thích liệu trình điều trị ra giấy và đưa cho bệnh nhân.

Một nghiên cứu trên 428 bệnh nhân ở nhật bản cho thấy, 73% người được khảo sát cho rằng họ có động lực để tuân thủ điều trị hơn khi được bác sĩ giải thích về liệu trình điều trị [5]. Một nghiên cứu khác trên 80 bệnh nhân nhằm so sánh mức độ tuân thủ điều trị khi được phát tờ kế hoạch điều trị sau khi tư vấn và khi không được phát. Kết quả cho thấy nhóm được phát tờ kế hoạch điều trị có mức tuân thủ điều trị là 80%, nhóm còn lại là 62% (p <0.5) [6].

3.     Nhắc nhở bệnh nhân.

Việc gọi điện nhắc nhở, hoặc nhắn tin nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ việc điều trị cũng góp phần giúp cải thiện hiệu quả điều trị. Một nghiên cứu trên 160 bệnh nhân đã được thực hiện. Những bệnh nhân này được chia thành 2 nhóm, một nhóm nhận được 2 tin nhắn SMS mỗi ngày, và nhóm còn lại thì không. Kết quả được đánh giá sau 12 tuần cho thấy có sự cải thiện vượt bật trong tuân thủ điều trị của bệnh nhân (p<0.0001) [7]

4.     Hẹn tái khám thường xuyên.

Việc thường xuyên được tiếp xúc trao đổi, cũng như được giám sát bởi bác sĩ giúp bệnh nhân tuân thủ hơn với điều trị. Cũng giống như hiệu ứng Howthorn, bệnh nhân sẽ tuân thủ điều trị hơn khi biết có ai đó đang giám sát mình.
Một thử nghiệm lâm sàng trên 29 bệnh nhân vảy nến cho thấy mức độ tuân thủ của những bệnh nhân này cao hơn quanh khoảng thời gian tái khám [8].

Ngoài ra, dạng bào chế thuốc bôi, cũng như mức độ hài lòng của bệnh nhân cũng ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của họ.

DR. PHẠM TĂNG TÙNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Miyachi Y, Hayashi N, Furukawa F, et al. Acne management in Japan: study of patient adherence. Dermatology (Basel, Switzerland). 2011;223(2):174–81. 8.
2.     Hester C, Park C, Chung J, Balkrishnan R, Feldman S, Chang J. Medication adherence in children and adolescents with acne vulgaris in Medicaid: a retrospective study analysis. Pediatr Dermatol. 2016;33(1):49–55.
3.     Ahn CS, Culp L, Huang WW, Davis SA, Feldman SR.  Adherence in dermatology. J Dermatolog Treat. 2017;28(2):94–103
4.     Yentzer BA, Ade RA, Fountain JM, et al. Simplifying regimens promotes greater adherence and outcomes with topical acne medications: a randomized controlled trial. Cutis. 2010;86(2):103–8.
5.     Thiboutot D, Dreno B, Layton A. Acne counseling to improve adherence. Cutis. 2008;81(1):81–6.
6.     Navarrete-Dechent C, Curi-Tuma M, Nicklas C, Cardenas C, Perez-Cotapos ML, Salomone C. Oral and written counseling is a useful instrument to improve short-term adherence to treatment in acne patients: a randomized controlled trial. Dermatol Pract Concept. 2015;5(4):13–6.
7.     Fabbrocini G, Izzo R, Donnarumma M, Marasca C, Monfrecola G. Acne smart club: an educational program for patients with acne. Dermatology (Basel, Switzerland). 2014;229(2):136–40.
8.     Feldman SR, Camacho FT, Krejci-Manwaring J, Carroll CL, Balkrishnan R. Adherence to topical therapy increases around the time of office visits. J Am Acad Dermatol. 2007;57(1):81–3.

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét