Các yếu tố bệnh sinh của
nám được biết đến hiện nay được chứng minh là có liên quan đến yếu tố di truyền,
tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, và yếu tố hormones. Ortonne đã tiến hành
một khảo sát lớn toàn cầu trên 324 phụ nữ bị nám và kết quả cho thấy 50% bệnh
nhân có ít nhất 1 thành viên trong gia đình họ bị nám. Và thời điểm khởi phát
nám hầu hết là sau khi mang thai (42%), trong khi đó 26% khởi phát trong quá
trình mang thai. Một nghiên cứu khác cho thấy yếu tố khởi phát nám gồm mang
thai (36.4%), thuốc tránh thai (16.2%) và tiếp xúc ánh sáng (27.2%) [1]
1. Vai trò của chống nắng trong dự phòng nám:
Có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu chứng minh
rằng cả tia UV lẫn ánh sáng nhìn thấy đều đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh
của nám. Để đánh giá hiệu quả dự phòng nám của chống nắng, Lakhdar và cộng sự
đã tiến hành một nghiên cứu trên 200 phụ nữ Moroco đang mang thai từ 1-3 tháng.
Những phụ nữ này được yêu cầu sử dụng kem chống nắng phổ rộng SPF 50+ và UVA
protection, kết quả cho thấy là chỉ 2.7% những phụ nữ này bị nám trong quá
trình mang thai [2]. Trong khi đó, một khảo sát trên 400 phụ nữ mang thai ở
Iran cho thấy trong số này có đến 15.8% phụ nữ mang thai khởi phát nám [3].
2. Ánh sáng nhìn thấy- yếu tố góp phần trong khởi
phát nám
Boukari đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng
tiến cứu trên 40 bệnh nhân bị nám nhằm đánh giá hiệu quả của việc dùng đơn lẻ kem
chống nắng chống tia UV so với dùng chống nắng phối hợp hoạt chất chống lại các
bước sóng ngắn của ánh sáng nhìn thấy trong dự phòng tái phát nám. Cả hai nhóm
đều được bôi cùng thành phần hoạt chất chống tia UV, trong đó có một nhóm được
thêm oxit sắt vào trong thành phần (chất hấp thu ánh sáng nhìn thấy). Kết quả
cho thấy, nhóm không có thành phần oxit sắt trong kem chống nắng có điểm MASI
(thang điểm đánh giá độ nặng của nám) cao hơn sau 6 tháng so với nhóm có thêm
oxit sắt. Kết quả nghiên cứu này nhấn mạnh vai trò của ánh sáng nhìn thấy trong
nguyên bệnh sinh của nám [4].
Vai trò bệnh sinh của ánh sáng nhìn thấy cũng đã
được xác nhận lại trong nghiên cứu của Castanedo-Cazares trong một thử nghiệm
lâm sàng mù đôi trên 68 bệnh nhân nám nhằm đánh giá hiệu quả của kem chống nắng
chứa oxit sắt so với kem chống nắng thông thường. Bệnh nhân được bôi kem chứa
HQ (hydroquinone) và kèm 2 loại chống nắng trên, mức độ cải thiện được đánh giá
thông qua chỉ số MASI, máy đo màu và phân tích trên mô bệnh học. Kết quả thu
được cho thấy nhóm sử dụng kem chống nắng chứa oxit sắt có mức độ cải thiện cao
hơn so với nhóm dùng kem chống nắng thông thường. Do đó, ta có thể thấy hiệu
quả điều trị nám của HQ được tăng cường khi dùng đồng thời HQ và kem chống nắng
[5].
3. Vai trò hỗ trợ điều trị của kem chống nắng
Trong một nghiên cứu lâm sàng mù đôi, có đối
chứng được tiến hành bởi Vazquez và Sanchez đã tiến hành trên 53 bệnh nhân cho
thấy những bệnh nhân điều trị HQ 3% kèm với kem chống nắng thì có đến 96,2%
bệnh nhân cải thiện, trong khi đó nhóm chứng chỉ dùng HQ thì chỉ có 80.7% có sự
cải thiện. Do đó, kem chống nắng phổ rộng không chỉ giúp dự phòng tái phát nám
mà còn giúp làm tăng hiệu quả điều trị của các thuốc bôi khác.
4. Khuyến cáo về sử dụng kem chống nắng trong điều
trị nám [1]
i.
Bệnh nhân nám nên sử
dụng kem chống nắng (SPF ít nhất là 30) phổ rộng có thể bảo vệ da khỏi tia UVA,
UVB và cả ánh sáng nhìn thấy.
ii.
Ưu tiên lựa chọn kem
chống nắng vật lý, đặc biệt là kem chống nắng chứa oxit sắt, do khả năng chống
nắng phổ rộng và toàn diện của nó.
iii.
Cần bôi đủ lượng kem
chống nắng (quy luật teaspoon), và bôi lặp lại trong ngày (mỗi 2-3h), và bệnh
nhân cần được nhấn mạnh là nên bôi kem chống nắng dù ở trong nhà, hay vào mùa
mưa.
iv.
Khi lựa chọn kem chống
nắng nên cân nhắc đến các bệnh lý khác của da như mụn trứng cá, nghề nghiệp,
tình trạng thiếu nước của da ….
BS. PHẠM TĂNG TÙNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Sarkar R,
Gokhale N, Godse K, et al. Medical Management of Melasma: A Review with
Consensus Recommendations by Indian Pigmentary Expert Group. Indian J Dermatol.
2017;62(6):558-577. doi:10.4103/ijd.IJD_489_17
2.
Lakhdar
H, Zouhair K, Khadir K, Essari A, Richard A, Seité S, et al. Evaluation of the
effectiveness of a broad-spectrum sunscreen in the prevention of chloasma in
pregnant women. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2007;21:738–42.
3. Moin
A, Jabery Z, Fallah N. Prevalence and awareness of melasma during pregnancy. Int J Dermatol. 2006;45(3):285-288. doi:10.1111/j.1365-4632.2004.02470.x
4. Boukari F, Jourdan E, Fontas E, Montaudié
H, Castela E, Lacour JP, et al. Prevention of melasma relapses with sunscreen
combining protection against UV and short wavelengths of visible light: A
prospective randomized comparative trial. J Am Acad Dermatol. 2015;72:189–900.
5. Castanedo-Cazares JP, Hernandez-Blanco D,
Carlos-Ortega B, Fuentes-Ahumada C, Torres-Álvarez B. Near-visible light and UV
photoprotection in the treatment of melasma: A double-blind randomized trial. Photodermatol Photoimmunol
Photomed. 2014;30:35–42
0 nhận xét:
Đăng nhận xét