LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020





Chức năng hàng rào da có nhiều sự thay đổi ở bệnh nhân mụn trứng cá, và đặc biệt là ở những bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc bôi. Bài viết đề cập đến một khía cạnh quan trọng khác trong việc chăm sóc da mụn bên cạnh liệu pháp điều trị thuốc bôi, thuốc uống hệ thống. Hiểu biết về sự thay đổi chức năng hàng rào da sẽ giúp bạn đưa ra liệu trình chăm sóc da mụn tốt hơn, và giảm biến chứng của thuốc bôi nhiều nhất có thể.


1.    Thay đổi chức năng hàng rào da ở bệnh nhân mụn trứng cá.

Gia tăng tiết bã nhờn là một trong những biểu hiện đáng chú ý nhất ở bệnh nhân bị mụn trứng cá. Tuy nhiên sự gia tăng tiết bã nhờn không đồng nghĩa với việc chức năng hàng rào da sẽ được tăng cường. Các nghiên cứu phân tích chỉ ra rằng, hàm lượng lipid tăng chủ yếu là do sự gia tăng của squalene (chất giữ ẩm, chống oxi hóa tự nhiên của da), tuy nhiên tỉ lệ acid béo tự do và hàm lượng ceramide cũng như sphingosine tự do suy giảm [1]. Sự thay đổi về chất trong thành phần lipid của hàng rào da, đưa đến nhiều hậu quả. Sự tăng tiết bã nhờn đã làm loãng nồng độ của linoleic acid (acid béo tự do) khiến chúng bị thiếu hụt tương đối và hậu quả là sự hình thành các nhân mụn [2]. Đồng thời sự thiếu hụt ceramide và sphingosine tự do gây nên sự thiếu hụt lipid giữa các tế bào thượng bì, và hậu quả là làm tăng sự mất nước qua thượng bì TEWL (transepidermal water loss).

Yamamoto và cộng sự của mình đã tiến hành phân tích các thông số liên quan đến chức năng hàng rào da ở những bệnh nhân bị mụn trứng cá so với những người không bị mụn. Kết quả cho thấy có sự tăng TEWL và giảm sphingoliphids (ceramide và sphingosine tự do) giữa các tế bào. Mức độ tăng TEWL và giảm lipid này tỉ lệ thuận với độ nặng của mụn trứng cá [3]

2.    Ảnh hưởng của benzoyl peroxide lên chức năng hàng rào da

Có rất nhiều loại thuốc bôi được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá, trong số đó benzoyl peroxide và retinoids là những loại thuốc bôi hiệu quả và được sử dụng rộng rãi nhất.

Benzoyl peroxide từ lâu đã được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá nhờ khả năng tiêu diệt và ức chế vi khuẩn P.acnes và hạn chế hiện tượng kháng kháng sinh (antibiotic resistance). Tuy nhiên hoạt chất này lại thường gây kích ứng và khô da trong nhiều trường hợp.

Trong một nghiên cứu [4] người ta thấy rằng TEWL tăng lên 1.8 lần khi thoa benzoyl peroxide 10% mà nguyên nhân là benzoyl peroxide làm tổn thương lớp lipid kép của lớp sừng thượng bì. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng hoạt chất này có khả năng gây tổn hại đến chức năng chống oxi hóa của da do làm giảm hàm lượng vitamin E bề mặt của da.

3.    Ảnh hưởng của thuốc bôi retinoids lên chức năng hàng rào da

Retinoids (tretinoin hoặc retinol) là hoạt chất nền tảng và cơ bản trong điều trị và  dự phòng mụn trứng cá. Retinoids có tác dụng ức chế sự hình thành vi nhân mụn (microcomedo), khiến vi nhân mụn không thể tiến triển thành nhân mụn và mụn viêm. Khi ngưng sử dụng retinoids, sự hình thành microcomedo sẽ trở lại ngay sau vài ngày đến vài tuần. Ngoài ra, retinoids còn tác động lên cả các tổn thương mụn viêm, do đó nó là hoạt chất lý tưởng trong điều trị mụn trứng cá vì tác dụng của nó lên cả microcomedo, tổn thương mụn viêm và không viêm. [1].

Đối với những người mới sử dụng retinoids lần đầu, thì trong khoảng 2 tuần đầu da sẽ khô, hồng ban và tróc vảy, đây là biểu hiện của viêm da do retinoids. Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường thoáng qua và sẽ giảm đi khi tiếp tục sử dụng retinoids [1]. Mà nguyên nhân là do retinoids làm tăng tốc độ đổi mới tế bào thượng bì, gây tróc thượng bì, làm giảm nhẹ độ dày thượng bì cũng như tính thấm của nó (tăng TEWL).

4.    Vai trò của dưỡng ẩm trong điều trị mụn trứng cá

Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể nắm được sự thay đổi căn bản của chức năng hàng rào da trước và trong quá trình điều trị ở bệnh nhân mụn trứng cá đó là sự tăng TEWL, điều này khiến da trở nên khô và dễ kích ứng. Từ đây chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của dưỡng ẩm trong điều trị mụn trứng cá.

Một đồng thuận của 11 bác sĩ da liễu Canada dựa trên các nghiên cứu tổng quan đã đi đến 7 điểm thống nhất như sau: 1) Nguyên nhân bỏ trị hàng đầu trong mụn trứng cá đó là da khô và bị kích ứng; 2) Sự thiếu hụt chức năng hàng rào da có thể góp phần gây nên mụn trứng cá; 3) da khô và kích ứng là tác dụng phụ thường gặp khi điều trị mụn trứng cá; 4) da khô và kích ứng của là hệ quả của liệu pháp isotretinoin hệ thống; 5) dưỡng ẩm có thể giúp cải thiện tình trạng khô và kích ứng do liệu pháp điều trị gây ra; 6) dưỡng ẩm chứa thành phần ceramide có thể giúp làm tăng tính tuân thủ điều trị của bệnh nhân; 7) Sử dụng kèm dưỡng ẩm với liệu pháp điều trị chính nên được cân nhắc khi điều trị mụn [5].

TÓM LẠI: Sử dụng dưỡng ẩm, đặc biệt là dưỡng ẩm chứa ceramide nên được sử dụng phối hợp trong điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn dưỡng ẩm phù hợp với type da của mỗi người.

       DR. PHẠM TĂNG TÙNG      

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Thiboutot D, Del Rosso JQ. Acne Vulgaris and the Epidermal Barrier: Is Acne Vulgaris Associated with Inherent Epidermal Abnormalities that Cause Impairment of Barrier Functions? Do Any Topical Acne Therapies Alter the Structural and/or Functional Integrity of the Epidermal Barrier?. J Clin Aesthet Dermatol. 2013;6(2):18‐24.
2.    Rocha, M. A., & Bagatin, E. (2017). Skin barrier and microbiome in acne. Archives of Dermatological Research, 310(3), 181–185. doi:10.1007/s00403-017-1795-3
3.    Yamamoto A, Takenouchi K, Ito M (1995) Impaired water barrier function in acne vulgaris. Arch Dermatol Res 287(2):214–218
4.    Weber SU, Thiele JJ, Han N, et al. Topical tocotrienol supplementation inhibits lipid peroxidation but fails to mitigate increased transepidermal water loss after benzoyl peroxide treatment of human skin. Free Radic Biol Med. 2003;34:170–176.
5.    Lynde CW, Andriessen A, Barankin B, et al. Moisturizers and Ceramide-containing Moisturizers May Offer Concomitant Therapy with Benefits. J Clin Aesthet Dermatol. 2014;7(3):18‐26.



Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét