LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020







 1.     Vai trò của peel trong trị mụn

Mụn trứng cá là một bệnh lí da mạn tính phổ biến nhất hiện nay. Việc điều trị mụn trứng cá đòi hỏi thời gian điều trị lâu dài và điều trị duy trì gần như là bắt buộc để kiểm soát lâu dài mụn trứng cá. Các biện pháp điều trị mụn trứng cá chủ yếu hiện nay là sử dụng thuốc bôi (benzoyl peroxide, retinoids, kháng sinh bôi, AHAs, BHAs, tea tree oil, niacinamide…) và thuốc uống (kháng sinh, isotretinoin). Ngoài ra, một trong những phương pháp điều trị hỗ trợ được sử dụng rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam và thế giới đó là peel da hóa chất.


Bệnh sinh của mụn trứng cá liên quan đến các yếu tố như sự tăng sinh và phát triển của vi khuẩn P. acnes, tăng tiết bã nhờn, tăng sừng hóa cổ nang lông, và quá trình viêm. Các hoạt chất peel (salicylic acid, glycolic acid, mandelic acid…) có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, ly sừng, tiêu còi mụn và giúp kiềm dầu, do đó peel da điều trị mụn đã trở nên rất phổ biến hiện nay [1].


Peel được chia thành peel nông, trung bình và sâu, tuy nhiên trong điều trị mụn người ta thường sử dụng peel nông và tiến hành peel nhiều lần. Các sản phẩm peel điều trị mụn truyền thống gồm peel salicylic acid 20-30%, peel glycolic acid (30-70%), peel Jessner…. Các loại peel mới được nghiên cứu gần đây như mandelic acid, phytic acid ngày càng trở nên phổ biến và đã chứng minh được hiệu quả của nó trong điều trị mụn.

 2.     So sánh hiệu quả của SA với GA và dung dịch Jessner trong điều trị mụn


Trong một thử nghiệm lâm sàng hai nữa mặt trên 20 bệnh nhân (split-face study) nhằm so sánh hiệu quả của GA 30% (peel mỗi 2 tuần, 6 lần điều trị) với GA 30% (peel mỗi 2 tuần, 6 lần điều trị). Kết quả cho thấy bệnh nhân có sự cải thiện ở mức độ tốt (>50%) đến vừa (25-50%) về số lượng tổn thương sau 1 tháng điều trị (p<0.05). Sau hai tháng ngưng điều trị hiệu quả của peel GA được duy trì tốt hơn so với GA. Tác giả nghiên cứu đã kết luận rằng GA và SA có hiệu quả điều trị ngang nhau, tuy nhiên SA có khả năng duy trì kết quả tốt hơn so với GA. Ngoài ra tác dụng phụ của SA thấp hơn so với GA [2].

Một thử nghiệm lâm sàng (40 bệnh nhân) đã được tiến hành để so sánh SA 30% (peel mỗi 2 tuần, 6 lần điều trị) với dung dịch Jessner (JS) (peel mỗi 2 tuần, 6 lần điều trị). Kết quả cho thấy SA ưu thế hơn so với JS về khả năng làm giảm số lượng tổn thương mụn ẩn ( giảm 53.4% so với 26.3%, p= 0.001), tuy nhiên hiệu quả về tổn thương sẩn viêm ( 71% so với 61.5%) và mụn mủ (70.3% và 76.7%) là tương tự nhau giữa hai loại peel. Mức độ giảm điểm Michaelson Acne Score trung bình ở nhóm SA cao hơn nhiều so với JS (60.4% so với 34.1%) [3].

 3.     Hiệu quả của mandelic acid peel trong điều trị mụn trứng cá.

Mandelic acid thuộc nhóm AHAs, có nguồn gốc từ quả hạnh đắng (bitter almond). Trong y khoa, mandelic acid đã từng được sử dụng để khử khuẩn nước tiểu. Mandelic acid đã được nghiên cứu rất nhiều về khả năng điều trị của nó đối với các vấn đề về da như lão hóa da, rối loạn sắc tố, mụn trứng cá và phục hồi da sau các thủ thuật tái tạo bề mặt [4]. Mandelic acid có khả năng kháng khuẩn và kháng viêm mạnh nhờ vào cấu trúc tương tự một kháng sinh và là bản chất là một acid yếu của nó, đo đó, peel mandelic acid đặc biệt hữu ích trong trường hợp mụn viêm và mụn mủ so với salicylic acid.

Dayal đã tiến hành nghiên cứu so sánh hiệu quả của salicylic 30% với mandelic acid 45% trong điều trị mụn trứng cá nhẹ và trung bình. Kết quả cho thấy hiệu quả điều trị ngang nhau giữa hai loại acid. Tuy nhiên salicylic acid có ưu thế hơn trong điều trị các tổn thương mụn không viêm, trong khi đó mandelic acid lại cho kết quả tốt hơn đối với các tổn thương mụn viêm [5]. Một nghiên cứu khác cũng đã được tiến hành nhằm so sánh hiệu quả điều trị mụn trứng cá của peel GA so với hỗn hợp peel SA 20%- mandelic acid 10%. Kết quả cho thấy khả năng làm giảm số lượng tổn thương mụn và tăng sắc tố sau viêm ở nhóm SA-MA cao hơn hẳn so với nhóm peel GA [6]

Ngoài khả năng điều trị mụn viêm tốt, mandelic acid còn là ứng cử viên tiềm năng trong điều trị chống lão hóa nhờ khả năng kích thích tổn hợp collagen của nó. Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả chống lão hóa da của thuốc bôi mandelic acid đã được tiến hành. Trong nghiên cứu này, 24 bệnh nhân có độ tuổi từ 42- 68 tuổi được thoa kem chứa mandelic acid 6% vào buổi sáng, và mandelic acid 4% vào mỗi buổi tối. Sau một tháng, mức độ đàn hồi của vùng da dưới mắt tăng 24.2 % (p= 0.003), độ săn chắc tăng 23.8 % (p=0.29) [7].

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Castillo DE, Keri JE. Chemical peels in the treatment of acne: patient selection and perspectives. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2018;11:365-372. Published 2018 Jul 16. doi:10.2147/CCID.S137788
2.     Kessler E, Flanagan K, Chia C, Rogers C, Glaser DA. Comparison of alpha- and beta-hydroxy acid chemical peels in the treatment of mild to moderately severe facial acne vulgaris. Dermatol Surg. 2008;34(1):45-51. doi:10.1111/j.1524-4725.2007.34007.x
3.     Chen X, Wang S, Yang M, Li L. Chemical peels for acne vulgaris: a systematic review of randomised controlled trials. BMJ Open. 2018;8(4):e019607. Published 2018 Apr 28. doi:10.1136/bmjopen-2017-019607
4.     Taylor MB. Summary of mandelic acid for the improvement of skin conditions. Cosmetic Dermatology. 1999;26‐28.
5.     Dayal S, Kalra KD, Sahu P. Comparative study of efficacy and safety of 45% mandelic acid versus 30% salicylic acid peels in mild-to-moderate acne vulgaris. J Cosmet Dermatol. 2020;19(2):393-399. doi:10.1111/jocd.13168
6.     Garg VK, Sinha S, Sarkar R. Glycolic acid peels versus salicylic-mandelic acid peels in active acne vulgaris and post-acne scarring and hyperpigmentation: a comparative study. Dermatol Surg. 2009;35(1):59-65. doi:10.1111/j.1524-4725.2008.34383.x

7.     Jacobs SW, Culbertson EJ. Effects of Topical Mandelic Acid Treatment on Facial Skin Viscoelasticity. Facial Plast Surg. 2018;34(6):651-656. doi:10.1055/s-0038-1676048


Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét