LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

 

DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC TỔN THƯƠNG DA DO MANG KHẨU TRANG MÙA DỊCH

BS PHẠM TĂNG TÙNG

Đại dịch COVID-19 xuất hiện hồi tháng 12/2019 và sớm lan rộng trở thành đại dịch toàn cầu, gây tử vong hàng trăm nghìn mạng sống. Một sự thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc đang diễn ra trên toàn thế giới. Mọi người dần quen với việc sử dụng khẩu trang mỗi ngày. Tuy nhiên việc sử dụng khẩu trang dài ngày khiến chúng ta gặp một số tổn thương và bệnh lí về da. Bài viết này sẽ tập trung mô tả, giải thích về cơ chế cũng nhưng biện pháp điều trị và dự phòng các tổn thương da cho mang khẩu trang mùa dịch.

I. Chấn thương da do mang khẩu trang quá chặt.

Việc mang khẩu trang (đặc biệt là khẩu trang N95) và kính bảo hộ chặt (đặc biệt đối với các bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch) có thể khiến da bị tì đè, ma sát thường xuyên và gây ra chấn thường do áp lực ở các vùng lưng mũi, và gò má. Ngoài ra khẩu trang giữ lại toàng bộ hơi nước khi thở ra khiến da trở nên ẩm ướt, lớp sừng của da trở nên mềm và giảm khả năng chống lại áp lực từ bên ngoài.

Hình 1. vết hằn do mang khẩu trang (A) và mụn nước ở trên mũi do ma sát quá nhiều giữa khẩu trang và sống mũi.

Có hai cách để làm giảm chấn thương da trong trường hợp này đó làm giảm áp lực đè ép tại chỗ và giảm thời gian đè ép. Để giảm thời gian đè ép bạn nên bỏ khẩu trang khi ngồi một mình, ở nhà. Để giảm áp lực đè ép bạn có thể sử dụng miếng dán xốp, miếng dán hydrogel, hoặc miếng dán hydrocolloid để giảm áp lực đè ép, giảm ma sát giữa khẩu trang với da. 

Hình 2. Cách bảo vệ da không bị chấn thương khi mang khẩu trang N95. (A) Nhân viên y tế một bên được sử dụng miếng dán hydrogel một bên không được dán. (B) Miếng dán được dán ở vị trí bên dưới bờ của khẩu trang N95. (C) sau khi mang khẩu trang liên tục trong 4 giờ, chúng ta có thể thấy da bị đỏ lên ở vùng bên phải (không có miếng dán), trong khi đó da ở vùng bên trái dường như bình thường. (D) sử dụng miếng dán hydrogel theo hình chữ W giúp hạn chế chấn thương áp lực do mang khẩu trang ở mũi và mặt (E) sử dụng miếng dán hydrogel không ảnh hưởng đến khả năng bám chặt của khẩu trang. (E) miếng dán hydrogel dễ dàng được lột bỏ.

2. Mụn trứng cá do mang khẩu trang.

Mang khẩu trang tạo ra môi trường ẩm ướt, lỗ chân lông dễ bị bít tắc bởi bã nhờn và mồ hôi, đồng thời vi môi trường nóng ẩm này cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn C. acnes phát triển. Kết quả là mụn xuất hiện nhiều hơn.

Vậy làm thế nào để hạn chế mụn khi mang khẩu trang. Những lưu ý sau đây sẽ giúp hạn chế tình trạng nổi mụn trên da khi mang khẩu trang quá lâu:

- Giảm thời gian sử dụng khẩu trang khi không cần thiết.

-  Rửa mặt hai lần mỗi ngày giúp loại bỏ vi khuẩn, dầu thừa, làm thông thoáng lỗ chân lông. Nên sử dụng sửa rửa mặt cho da dầu, thường là sửa rửa mặt dạng gel, ít bọt. Ưu tiên sử dụng các dòng dược mỹ phẩm như Eucerin, La Roche- Possay, SVR, Avene....

- Sử dụng dưỡng ẩm nền nước: Việc giữ ẩm cho da đảm bảo chức năng hàng rào da và đóng vai trò khá quan trọng trong điều trị mụn. Tuy nhiên việc sử dụng dưỡng ẩm nền dầu, hoặc chứa dầu sẽ khiến lỗ chân lông dễ bít tắc hơn và mụn trở nên tồi tệ hơn. Do đó nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm nền nước như Neutrogena water gel, eucerin fluid AI, serum HA....

- Tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết với tần suất hợp lí 1-2 lần/ tuần giúp loại bỏ lớp sừng già hóa và giúp làm thông thoáng lỗ chân lông, cũng sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng mụn do mang khẩu trang.

- Dự phòng và điều trị bằng hoạt chất retinoids, đây là hoạt chất có tác dụng ly sừng, ly giải nhân mụn hoạt động dựa trên cơ chế kích thích sự tăng sinh và thay thế tế bào thượng bì. Các sản phẩm có thể dùng như: differin, klenzit-MS, Klenzit-C, retin-A, Retacnyl...

3. Viêm nang lông và nấm da 

Vi môi trường nóng ẩm được tạo ra khi mang khẩu trang cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi nấm trên da.

Một trong những tình trạng viêm da phổ biến đó là viêm nang lông do nấm malassezia, một loại nấm thường có trên da. Biểu hiện của viêm nang lông do malassezia là sự xuất hiện của những sẩn, mụn mủ nhỏ, đồng dạng, thường ngứa, đặc biệt ở người vốn tiết nhiều bã nhờn, mồ hôi. Tìm hiểu thêm về viêm nang lông. Ngoài ra viêm nang lông còn có thể do vi khuẩn gây ra. Trong trường hợp viêm nang lông do nấm, có thể điều trị bằng kháng nấm đường uống và thuốc bôi. Trong trường hợp do vi khuẩn, điều trị bằng kháng sinh bôi được khuyến cáo.

4. Viêm da tiếp xúc, và mày đay

Nếu bạn có cơ địa dị ứng với các thành phần vải của khẩu trang, bạn cũng sẽ có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc hoặc nổi mề đay vùng tiếp xúc.

Viêm da tiếp xúc có thể được điều trị bằng thuốc bôi chứa corticoid và kháng sinh, mày đay có thể nhanh chóng được làm dịu bằng thuốc kháng histamin.

Nếu biết cách chăm sóc da tốt và phù hợp chúng ta sẽ hạn chế được những vấn đề không mong muốn liên quan đến chiếc khẩu trang khi mà khẩu trang là một trong những công cụ hữu ích giúp chúng ta chống dịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7147274/pdf/ijdv-publish-ahead-of-print-10.1097.jd9.0000000000000085.pdf

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7102542/pdf/main.pdf

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét