LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

 LỰA CHỌN KHÁNG SINH TRONG ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ

BS. PHẠM TĂNG TÙNG

1. Tổng quan

Mụn trứng cá là bệnh lí da mạn tính và phổ biến nhất. Bệnh xuất hiện ở tuổi dậy thì và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng mụn trứng cá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của người bệnh. 

Nguyên bệnh sinh của mụn trứng cá đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tựu chung bệnh sinh là sự phối họp của các yếu tố sau: (1) Tăng tiết bã nhờn quá mức, (2) sừng hóa cổ nang lông và bít tắc lỗ chân lông, (3) vi khuẩn C. acnes và (4) quá trình viêm. 

Lựa chọn điều trị tùy thuộc vào phân độ bệnh của mụn trứng cá (nhẹ, trung bình, nặng). Mụn trứng cá nhẹ thường chỉ cần điều trị bằng thuốc bôi (benzoyl peroxide, adapalene, tretinoin, kháng sinh bôi).

Mụn trứng cá ở mức độ trung bình- nặng đòi hỏi phải sử dụng kháng sinh đường uống hoặc isotretinoin phối hợp thuốc bôi để mang lại hiệu quả điều trị.



Việc sử dụng kháng sinh đường uống kéo dài, và có thể là tình trạng lạm dụng kháng sinh trị mụn đã dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh rất đáng báo động như hiện nay. 

2. Một số nguyên tắc khi sử dụng kháng sinh.

Cơ chế tác động của kháng sinh: (1) Giảm quần thể vi khuẩn C. acnes thông qua ức chế ribosome 30S, từ đó ức chế quá trình phiên mã, dịch mã. (2) Khả năng làm giảm viêm (nhóm tetracycline).

Chỉ định: mụn trứng cá dạng viêm, mụn mủ mức độ trung bình-nặng

Thời gian điều trị: không vượt quá 3-4 tháng.

Thời gian tối thiểu để xác định đáp ứng với kháng sinh: 6 tuần

Không được sử dụng kháng sinh đường uống đơn trị liệu hoặc phối hợp cùng với thuốc kháng sinh bôi. Khi sử dụng kháng sinh đường uống phải phối hợp với các loại thuốc bôi khác (adapalene, benzoyl peroxide...)

Không có kháng sinh nào là ưu thế hơn hẳn trong lựa chọn kháng sinh điều trị. Việc lựa chọn kháng sinh tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, tình hình kháng thuốc tại địa phương và tác dụng phụ của thuốc.

3. Đặc điểm của một số loại kháng sinh.

Theo đồng thuận của hội bác sĩ da liễu Singapore thì erythromycine, tetracyclines và doxycycline được xem là lựa chọn kháng sinh hàng đầu. Tuy nhiên erythromycine ít khi được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá (dùng được cho phụ nữ có thai) do tình trạng đề kháng đối với loại này, ngoài ra tetracyclines cũng không được khuyến cáo do tác dụng phụ của nó. 



3.1. Nhóm kháng sinh tetracycline

- Tác dụng diệt khuẩn + kháng viêm

- Thế hệ 1: Tetracycline: hiện nay không còn được dùng do tác dụng phụ

- Thế hệ 2: doxycycline, minocycline

DOXYCYCLINE

- Có tính ưa dầu, do đó khả năng thấm và di chuyển vào tuyến bã nhờn cao.

- Thuốc thường được bào chế thành hai dạng: doxycycline hyclate và doxycycline monohydrate. Dạng đầu tiên có khả năng tan trong nước nhiều hơn, gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa cũng như khả năng gây loét dạ dày cao hơn.

- Hầu hết các tác dụng phụ của doxycycline là nhẹ và có thể hạn chế bằng các biện pháp thích hợp. Tác dụng phụ phổ biến của doxycyline là nhạy cảm ánh sáng do đó khiến da dễ bỏng nắng và tăng sắc tố hơn. Tác dụng phụ phổ biến khác của doxycycline là gây rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), có thể hạn chế tác dụng phụ này bằng cách hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc ngay sau ăn, uống bằng một cốc nhiều nước và tránh nằm ngay sau khi uống thuốc. Một tác dụng phụ có thể khác của doxycycline là làm đổi màu răng khi răng ở giai đoạn phát triển, do đó không dùng doxycycline đối với trẻ dưới 8 tuổi.

MINOCYCLINE

- Là loại kháng sinh ưa dầu mạnh nhất trong nhóm tetracycline, do đó minocycline rất thuận lợi tác động lên các vi khuẩn C. acnes vốn cư ngụ ở các tuyến bã nhờn.

- Minocycline được bào chế thành hai dạng chính, dạng phóng thích nhanh (imediate-release) và dạng phóng thích chậm (extended-release). Hai dạng này có hiệu quả lâm sàng tương đương nhau, tuy nhiên dạng phóng thích chậm ít có tác dụng phụ tiền đình (vestibular) hơn. 

- Do có tỉ lệ hấp thu cao, minocycline đòi hỏi sử dụng hàm lượng thuốc thấp hơn, ít thuốc bị lưu lại trong dạ dày hơn do đó ít gây ra các tác dụng phụ lên đường tiêu hóa như doxycycline. Nhạy cảm ánh sáng cũng ít hơn so với doxycycline.

- Tuy nhiên, do khả năng thấm tốt, minocycline dễ dàng xâm nhập qua hàng rào máu não và gây ra các triệu chứng tiền đình như hoa mắt, chóng mặt.

SARECYCLINE

- Là thuốc thuộc nhóm tetracycline mới nhất, được FDA chấp thuận trong điều trị mụn trứng cá năm 2018.

- Thuốc kháng sinh phổ hẹp, ít bị kháng thuốc bởi C.acnes

- Liều theo cân nặng, thường là 1.5 mg/kg.

- Seysara là biệt dược duy nhất hiện nay của Sarecycline.

3.2. AZITHROMYCINE

- Nhóm macrolide, là dẫn xuất của erythromycine.

- Ức chế vi khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp protein thông qua ức chế ribosome 50S.

- Azithromycine thường được dùng trong điều trị nhiễm trùng hệ toàn thân nặng, trong điều trị mụn trứng cá, azithromycine được chỉ định cho một số trường hợp bệnh nhân chống chỉ định với nhóm tetracycline.

- Cũng giống nhu erythromycine, Azithromycine có thể sử dụng ở phụ nữ có thai.

3.3 COTRIMOXAZOLE.

Cotrimoxazole được bào chế từ 400mg sulfamethoxazole và 80mg methoprin. Hai loại kháng sinh này có tác dụng hiệp đồng trong ức chế quá trình tổng hợp folate của vi khuẩn.

Cotrimoxazole là lựa chọn đứng hàng thứ 3, do tác dụng phụ nghiêm trọng có thể có khi sử dụng kháng sinh này đó là hội chứng Steven Johnson/TEN.

4. Bàn luận.

Tóm lại có một số lưu ý tối quan trọng trong việc lựa chọn kháng sinh như sau:

- Ưu tiên lựa chọn kháng sinh nhóm tetracycline, thời gian cần thiết để đánh giá đáp ứng là 6 tuần, và nên ngưng kháng sinh khi đáp ứng điều trị.

- Nên phối hợp kháng sinh đường uống và thuốc bôi như benzoyl peroxide, adapalene để hạn chế đề kháng kháng sinh.

- Lưu ý tới các tác dụng phụ, áp dụng các hướng dẫn nhằm hạn chế tác dụng phụ để tăng tính tuân thủ điều trị của bệnh nhân. 






TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Oon HH, Wong SN, Aw DCW, Cheong WK, Goh CL, Tan HH. Acne Management Guidelines by the Dermatological Society of Singapore. J Clin Aesthet Dermatol. 2019 Jul;12(7):34-50. Epub 2019 Jul 1. PMID: 31531161; PMCID: PMC6715335.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6715335/pdf/jcad_12_7_34.pdf

2. Baldwin H. Oral Antibiotic Treatment Options for Acne Vulgaris. J Clin Aesthet Dermatol. 2020;13(9):26-32.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7577330/

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét