LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

 ADAPALENE VÀ TRETINOIN: THUỐC BÔI NÀO TRỊ MỤN HIỆU QUẢ HƠN?

Dr. Pham Tang Tung




Mụn trứng cá là bệnh mạn tính của đơn vị nang lông tuyến bã. Tỉ lệ mụn trứng cá trong dân số là rất cao. Mụn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và có thể để lại các biến chứng như thâm và sẹo.

Cơ chế mụn trứng cá gồm 4 yếu tố: (1) tăng tiết quá mức bã nhờn, (2) Bất thường trong sừng hóa cổ nang lông (3) vi khuẩn C. acnes và (4) quá trình viêm. Cơ chế điều trị của các thuốc bôi và thuốc uống sẽ đánh trực tiếp vào những cơ chế này. 

1. Cơ chế tác động của adapalene và tretinoin

Tretinoin và adapalene lần lượt là thế hệ thứ nhất và thứ 3 của nhóm chất retinoids, dẫn xuất của vitamin A. Retinoids là thuốc bôi được ưu tiên hàng đầu trong điều trị mụn trứng cá do tác dụng mạnh mẽ của nó lên quá trình sinh bệnh học của mụn trứng cá. Retinoids giúp bình thường quá trình sừng hóa, tăng thúc đẩy thay thế thượng bì từ đó giúp li giải còi mụn. Ngoài ra retinoids còn đánh vào hai cơ chế khác của mụn trứng cá là giảm viêm và giảm tiết bã nhờn. 

2. Hiệu quả điều trị mụn giữa adapalene và tretinoin

Xét về hiệu quả điều trị mụn của adapalene và tretinoin, đã có rất nhiều nghiên cứu lâm sàng được tiến hành để so sánh hiệu quả điều trị giữa adapalene gel 0.1% và tretinoin gel 0.025%, 0.05% và 0.1 %.

Nghiên cứu của Grosshans cho thấy adapalen gel 0.1 % và tretinoin gel 0.025% có hiệu quả điều trị tương đương đối với mụn viêm và không viêm sau 12 tuần điều trị. Tuy nhiên adapalene mang lại hiệu quả điều trị sớm hơn so với tretinoin gel 0.025% [2]. Nghiên cứu của Ellis cũng cho thấy hiệu quả tương đương giữa adapalene gel 0.1% và tretinoin gel 0.025%. Tuy nhiên nghiên cứu của ông kết luận adapalen gel 0.1% hiệu quả hơn tretinoin gel 0.025 trong điều trị nhân mụn mở (mụn đầu đen) [3].



Nghiên cứu của Cunliffe nhằm so sánh hiệu quả điều trị của adapalen gel 0.1% và tretinoin cream 0.05% cho thấy hiệu quả tương đương giữa hai loại thuốc bôi này [4]. Tuy nhiên nghiên cứu của Pierard khi so sánh hiệu quả giữa adapalene gel 0.1% và tretinoin gel 0.05% thì tretinoin gel 0.05 cho thấy hiệu quả điều trị tốt hơn. [5]

Từ các nghiên cứu trên ta có thể thấy:

 - Adapalene gel 0.1% > tretinoin gel 0.025%

- Adapalene gel 0.1% = tretinoin cream 0.05%

- Adapalene gel 0.1% < tretinoin gel 0.05%

3. So sánh tác dụng phụ giữa adapalene và tretinoin

Trong tất cả các nghiên cứu ở trên, tác dụng phụ như đỏ da, khô da, tróc da, cảm giác châm chích và bỏng rát khi sử dụng đều xuất hiện ở cả hai loại thuốc bôi. Tuy nhiên mức độ ở nhóm bôi adapalene ít hơn nhiều so với nhóm bôi tretinoin. Do đó xét về khả năng dung nạp thuốc bôi, adapalene hoàn toàn chiếm ưu thế so với tretinoin.

Mức độ dung nạp thuốc tốt sẽ giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn, từ đó gián tiếp làm tăng hiệu quả điều trị trên thực tế.

4. Tính ổn định của adapalene so với tretinoin

So với tretinoin, adapalene ổn định hơn với ánh sáng và các chất oxi hóa mạnh. Lợi điểm này giúp chúng ta thấy adapalene có ưu thế hơn tretinoin đặc biệt là trong môi trường nắng ấm ở Việt Nam. Mức độ ổn định của hoạt chất cũng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. [3]

5. Bàn luận

Tổng hợp từ những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy xét về hiệu quả, adapalen và tretinoin có hiệu quả tương đương nhau trong trị mụn, tuy nhiên adapalene ổn định và ít tác dụng phụ hơn. Do đó nên ưu tiên lựa chọn adapalene hơn tretinoin trong điều trị mụn trứng cá, đặc biệt là trường hợp có nhiều mụn ẩn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Piskin S, Uzunali E. A review of the use of adapalene for the treatment of acne vulgaris. Ther Clin Risk Manag. 2007;3(4):621-624. 

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2374937/pdf/tcrm-0304-621.pdf

2. Grosshans, Marks, Mascaro, Torras, Meynadier, Alirezai, … Clucas. (1998). Evaluation of clinical efficacy and safety of adapalene 0·1% gel versus tretinoin 0·025% gel in the treatment of acne vulgaris, with particular reference to the onset of action and impact on quality of life. British Journal of Dermatology, 139, 26–33. doi:10.1046/j.1365-2133.1998.1390s2026.x 

https://sci-hub.do/10.1046/j.1365-2133.1998.1390s2026.x

3. Ellis, Millikan, Smith, Chalker, Swinyer, Katz, … Loesche. (1998). Comparison of adapalene 0·1% solution and tretinoin 0·025% gel in the topical treatment of acne vulgaris. British Journal of Dermatology, 139, 41–47. doi:10.1046/j.1365-2133.1998.1390s2041.x 

https://sci-hub.do/10.1046/j.1365-2133.1998.1390s2041.x

4. Cunliffe WJ, Danby FW, Dunlap F, Gold MH, Gratton D, Greenspan A. Randomised, controlled trial of the efficacy and safety of adapalene gel 0.1% and tretinoin cream 0.05% in patients with acne vulgaris. Eur J Dermatol. 2002 Jul-Aug;12(4):350-4. PMID: 12095880.

5. Piérard-Franchimont C, Henry F, Fraiture AL, Fumal I, Piérard GE. Split-face clinical and bio-instrumental comparison of 0.1% adapalene and 0.05% tretinoin in facial acne. Dermatology. 1999;198(2):218-22. doi: 10.1159/000018117. PMID: 10325486.

https://sci-hub.do/10.1046/j.0926-9959.2001.00010.x




Pin It

1 nhận xét:

  1. chào bác sĩ ạ, bác sĩ cho tôi hỏi là dùng differin duy trì hằng ngày để phòng ngừa mụn quay trở lại sau 2 tháng điều trị mụn bằng kháng sinh doxyclin được khônga ạ?

    Trả lờiXóa