LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

DA NHẠY CẢM

SENSITIVE SKIN SYNDROME

BS PHẠM TĂNG TÙNG

1. Định nghĩa hội chứng da nhạy cảm

Trước đây có rất nhiều định nghĩa khác nhau về hội chứng da nhạy cảm, tuy nhiên chưa đạt được sự đồng thuận chung của cộng đồng bác sĩ trên thế giới. Định nghĩa gần đây nhất của các chuyên da Châu Âu trên Diễn Đàn Quốc Tế Nghiên Cứu Về Ngứa 2017 đã đưa ra định nghĩa về da nhạy cảm và được đồng thuận của quốc tế như sau: "Hội chứng da nhạy cảm được định nghĩa là sự xuất hiện những cảm giác khó chịu (cảm giác châm chích, bỏng rát, đau, ngứa, và nhức nhối) khi tiếp xúc với những kích thích mà bình thường không gây ra những cảm giác này. Những cảm giác khó chịu này không được gây ra do tổn thương của bất kì bệnh lý da nào. Tình trạng da có thể giống như bình thường hoặc đi kèm với hồng ban"

Thuật ngữ chính xác hơn cho da nhạy cảm là reactive skin, tuy nhiên tên gọi sensitive skin vẫn phổ biến hơn hiện nay.

2. Phân loại hội chứng da nhạy cảm

Da nhạy cảm có thể được phân loại theo 3 cách như sau:

Phân loại theo chức năng hàng rào bảo vệ da, da nhạy cảm có 3 loại:
(1) type I: giảm chức năng hàng rào bảo vệ da
(2) type II: Chức năng hàng rào bảo vệ da bình thường, có phản ứng viêm
(3) type III: Chức năng hàng rào da bình thường, không có phản ứng viêm, nhưng có sự thay đổi mức phản ứng.
Cả 3 type đều có sự gia tăng của yếu tố tăng trưởng thần kinh (nerve growth factors)

Phân loại theo tác nhân khởi phát da nhạy cảm:
(1) Tăng nhạy cảm: nhạy cảm với cả tác nhân nội sinh và ngoại sinh, thường có triệu chứng cấp tính hoặc mạn tính, liên quan nhiều tới yếu tố tâm lý. 
(2) Nhạy cảm với môi trường: Da khô,, mỏng thường có xu hướng nhạy cảm với các tác nhân từ môi trường xung quanh.
(3) Nhạy cảm với mỹ phẩm: Nhạy cảm với một số loại mỹ phẩm.

Phân loại dựa trên bệnh lí nền trên da:
 (1) Da nhạy cảm nguyên phát: da nhạy cảm ở bệnh nhân không có bệnh nền đi kèm
 (2)  Da nhạy cảm thứ phát: Xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh lí da như viêm da tiết bã, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, trứng cá thông thường và trứng cá đỏ.  

3. Cơ chế da nhạy cảm

Có 3 cơ chế chính liên quan đến da nhạy cảm gồm: (1) tăng đáp ứng của đầu mút thần kinh ở da, (2) tăng đáp ứng miễn dịch và (3) giảm chức năng hàng rào bảo vệ da.

- Cơ chế thần kinh ở da: cơ chế này liên quan đến sự tăng đáp ứng của đầu mút thần kinh nhóm C (sợi thần kinh chia làm 3 loại A, B, C, trong đó nhóm C không được myelin hóa, đường kính bé và tốc dộ dẫn truyền thấp) thông qua thụ thể TRPV1 ở đầu mút của các sợi thần kinh này ở da. Thụ thể này có thể tăng đáp ứng với những kích thích vật lý hóa học bên ngoài. 

- Tăng đáp ứng miễn dịch: Hoạt hóa thụ thể TRPV1 sẽ đưa đến phóng thích các peptide thần kinh, làm tăng tiết các cytokine (IL 2, 31, TNF-alpha...) tiền viêm dẫn dụ các tế bào miễn dịch. Kết quả là gây ra cảm giác ngứa và bỏng rát đặc trưng của da nhạy cảm. 

- Chức năng hàng rào bảo vệ da: Khi tính toàn vẹn của hàng rào da không được đảm bảo (lớp sừng mỏng và dễ xâm nhập) thì các yếu tố kích thích môi trường dễ dàng xâm nhập vào da cũng như các đầu mút thần kinh kém dược bảo vệ hơn, do đó gây ra tình trạng da nhạy cảm. Chức năng hàng rào da phụ thuộc lớn vào thành phần lipid của da như ceramides, sphingolipid. Gần đây người ta cũng chứng minh thấy chức năng hàng rào da còn phụ thuộc vào hệ khuẩn chí trên da (microbiom).

Các yếu tố khởi phát da nhạy cảm gồm nội sinh (stress, yếu tố tâm lý) và ngoại sinh (mỹ phẩm, nhiệt độ, ánh sáng, bụi bẩn....)

4. Tiếp cận chẩn đoán da nhạy cảm



Có thể tiếp cận chẩn đoán hội chứng da nhạy cảm theo hướng dẫn ở trên. Bộ câu hỏi gồm 13 câu của Misery được chia thành 3 block, Block I hỏi về định nghĩa da nhạy cảm của bệnh nhân (câu 1-4), Block II  hỏi về phản ứng của da với các loại mỹ phẩm ( câu 5-7), và Block III hỏi về các yếu tố môi trường. Nếu bệnh nhân thỏa mãn 2 câu hỏi ở Block I, 3 câu ở Block II, hoặc 3 câu ở Block III thì bệnh nhân được xem là có da nhạy cảm. 


Block I:
1. Anh/chị có nghĩ rằng da mình là da nhạy cảm không?
2. Anh/chị có thấy da mình hay bị kích ứng không?
3. Da của anh chị có bỏng rát, châm chích, hoặc ngứa, kèm/hoặc không kèm theo đỏ da không?
4. Anh/chị có thấy da mặt mình nhạy cảm hơn so với các vùng da khác trên cơ thể hay không?
Block II
5. Da của anh chị có phản ứng nhanh với mỹ phẩm hoặc các đồ chăm sóc cá nhân hay không?
6. Có loại mỹ phẩm nào khiến da anh/chị bị ngứa,châm chích, hoặc bỏng rát không?
7. Anh/chị đã từng bị phản ứng phụ khi thoa mỹ phẩm hoặc đồ chăm sóc cá nhân lên da chưa?
Block III
8. Anh/chị có thấy da mình nhạy cảm với nhiệt độ lạnh không?
9. Anh/chị có thấy da mình nhạy cảm với nhiệt độ nóng không?
10. Da của anh/chị có nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ hay không?
11. Gió thổi có khiến da anh chị cảm giác ngứa hoặc bỏng rát không?
12. Phơi nắng có khiến da anh chị cảm giác ngứa, bỏng rát, châm chích không?
13. Bụi bẩn trong không khí có gây ra các cảm giác bỏng rát, châm chích, ngứa trên da mặt của anh/chị không?

Có rất nhiều test vật lý có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn da nhạy cảm như sting test, đo ngưỡng cảm giác da...Tuy nhiên trên thực tế chỉ cần dựa vào 13 câu hỏi trước đó chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra chẩn đoán hội chứng da nhạy cảm. 

5. Chẩn đoán phân biệt hội chứng da nhạy cảm

Trước khi chẩn đoán hội chứng da nhạy cảm, chúng ta cần phải xác định xem bệnh nhân có bệnh lý da nào gây ra các triệu chứng tương tự hay không. Đây là bước đầu tiên và quan trọng cho phép chúng ta có chẩn đoán chính xác hơn bởi việc xác định bệnh lý đi kèm sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Các bệnh lý sau đây thường có các triệu chứng tương tự da nhạy cảm mà chúng ta cần phải xác định.

(1) Viêm da cơ địa (AD): Bệnh nhân có tiền sử AD thường có xu hướng da nhạy cảm. Một nghiên cứu cho thấy 56% bệnh nhân da nhạy cảm đồng mắc AD. Ngoài ra bệnh viêm da cơ địa thường có cảm giác ngứa khi tiếp xúc với nhiệt độ, gió và độ ẩm thấp.

(2) Trứng cá đỏ (rosacea): Bệnh nhân trứng cá đỏ thể flushing thường có biểu hiện đỏ bừng mặt, khó chịu đựng được các kích thích. Một số nghiên cứu cho thấy 100% bệnh nhân trứng cá đỏ than phiền tình trạng da nhạy cảm. 78.2% bệnh nhân trứng cá đỏ người Nga và Đức được cho là có da nhạy cảm trong 1 nghiên cứu.

(3) Viêm da tiếp xúc với mỹ phẩm hoặc các yếu tố môi trường: lâm sàng cũng có biểu hiện đau và đỏ ngứa giống hội chứng da nhạy cảm.


xem phần hai tại: https://www.drtungmd.com/2021/06/da-nhay-cam-phan-2-ieu-tri.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Guerra-Tapia A, Serra-Baldrich E, Prieto Cabezas L, González-Guerra E, López-Estebaranz JL. Diagnosis and Treatment of Sensitive Skin Syndrome: An Algorithm for Clinical Practice. Actas Dermosifiliogr (Engl Ed). 2019 Dec;110(10):800-808. English, Spanish. doi: 10.1016/j.ad.2018.10.021. Epub 2019 May 27. PMID: 31146882.

https://sci-hub.do/10.1016/j.adengl.2019.10.004

2. Do LHD, Azizi N, Maibach H. Sensitive Skin Syndrome: An Update. Am J Clin Dermatol. 2020 Jun;21(3):401-409. doi: 10.1007/s40257-019-00499-7. PMID: 31834575.
3. Chen L, Zheng J. Does sensitive skin represent a skin condition or manifestations of other disorders? J Cosmet Dermatol. 2021 Jul;20(7):2058-2061. doi: 10.1111/jocd.13829. Epub 2020 Nov 24. PMID: 33159415.

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét