LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

 ĐIỀU TRỊ SẸO LỒI/ SẸO PHÌ ĐẠI BẰNG BOTULINUM TOXIN- REVIEW

BS PHẠM TĂNG TÙNG


1. Tổng quan về sẹo lồi và sẹo phì đại

Sẹo lồi và sẹo phì đại là một trong những vấn đề thẩm mỹ phổ biến hiện nay. Cơ chế hình thành sẹo lồi và sẹo phì đại liên quan đến quá trình lành thương và sự tăng hoạt của fibroblast. 

Sẹo lồi. Trong sẹo lồi, khối mô xơ cứng, trơn láng, phát triển vượt quá giới hạn của tổn thương ban đầu, không tự thu nhỏ, thường kèm theo ngứa và đau. Về mô học, sẹo lồi không chứa fibroblast, các bó collagen sắp xếp thành các bó lộn xộn, chủ yếu là collagen type 3. Sẹo lồi có tính cơ địa, có người dễ bị sẹo lồi dù chỉ bị vết thương nhỏ, trong khi đó có những người không bao giờ bị sẹo lồi. Người da đen có tỉ lệ sẹo lồi cao hơn so với người da trắng. 

Sẹo phì đại. Khác với sẹo lồi, sẹo phì đại thường chỉ giới hạn trong vùng tổn thương, có thể tự thu nhỏ theo thời gian và thường chỉ kèm theo triệu chứng ngứa. Về mô học, sẹo phì đại chứa nhiều fibroblast, các bó collagen sắp xếp song song với thượng bì, có cả collagen type 1 và 3.  


Có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi/sẹo phì đại hiện nay, trong đó phương pháp điều trị first line là tiêm corticosteroid trong tổn thương (intralesional steroid injection). Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị khác như laser,  áp lạnh (cryotherapy), băng ép, phẫu thuật...Gần đây người ta còn ứng dụng tiêm botulinum toxin (BTX) vào trong tổn thương để điều trị sẹo lồi/sẹo phì đại.

2. Cơ chế điều trị sẹo lồi/sẹo phì đại của BTX

- BTX tiêm sau vết mổ, vết thương giúp làm yếu cơ vùng xung quanh, làm giảm co kéo và sức căng vết sẹo, từ đó giúp quá trình lành thương diễn ra thuận lợi hơn.

- BTX giúp điều hòa hoạt động của fibroblast theo những cơ chế sau:

     (1) Giảm hàm lượng các yếu tố tăng trưởng như TGF-β1, yếu tố tăng trưởng mô liên kết (CTGF), do đó ức chế tăng sinh của fibroblast.

     (2) Giảm biểu hiện các gen liên quan đến các yếu tố TGF-β1, VEGF, MMP-1, PDGFA.

     (3) Ngăn cản sự biệt hóa fibroblast (nguyên bào sợi) thành myofibroblast (tế bào xơ cơ)

3. Hiệu quả của BTX so với giả dược.

Popescu đã thực hiện một nghiên cứu so sánh hiệu quả của tiêm BTX trong tổn thương so với giả dược trên 42 bệnh nhân bị sẹo lồi có kích thước 5-11 cm. Trong nghiên cứu này, một nữa vết sẹo được tiêm BTX-A (2UI cho mỗi điểm tiêm cách nhau 2 cm), nữa còn lại sẽ được tiêm nước muối sinh lý. Kết quả nghiên cứu được đánh giá mù đôi bởi các bác sĩ da liễu (không phải là người điều trị cho bệnh nhân) sau 3 tháng và 6 tháng, và mức độ hài lòng của bệnh nhân dựa trên thang điểm VAS (thang điểm đánh giá bằng mắt thường).

Kết quả cho thấy ở vùng tiêm nước muối sinh lý, sẹo lồi vẫn như cũ, trong khi đó vùng được tiêm BTX-A sẹo mềm mại hơn, cải thiện về mặt thẩm mỹ tốt hơn nhiều ( P< 0.017 sau 3 tháng và P<0.0222 sau 6 tháng). Mức độ hài lòng của bệnh nhân ở mức tốt hoặc rất tốt đối với vùng được điều trị bằng BTX.

4. Hiệu quả của BTX so với triamcenolone acetate

Shaarawy và cộng sự của ông đã tiến hành một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi để so sánh giữa tiêm BTX-A so với corticosteroid trong điều trị sẹo lồi trên 24 phụ nữ (mức độ bằng chứng level 1c). Bệnh nhân được chia thành hai nhóm, nhóm A được điều trị bằng tiêm corticosteroid (10 mg/mL triamcinolone) 6 lần mỗi lần cách nhau 4 tuần; nhóm B được tiêm BTX-A 5UI/cm3 3 lần, mỗi lần cách nhau 8 tuần. Tổng thời gian điều trị là 6 tháng, và không có sự khác biệt về thể tích sẹo lồi, độ tuổi sẹo, phân loại da của bệnh nhân ở cả 2 nhóm A, B trước điều trị.

Kết quả nghiên cứu như sau:

- Thể tích sẹo: Mức độ thu nhỏ thể tích sẹo lồi đối với nhóm A là 82.7%, nhóm B là 79.2% ( P< 0.01 so với trước điều trị), và không có sự khác biệt về hiệu quả điều trị giữa hai nhóm. Ngoài ra, độ cao của sẹo và màu đỏ của sẹo cũng được cải thiện rõ (P <0.01).

- Độ cứng của sẹo: sau 7 tháng theo dõi, sẹo ở nhóm A mềm hơn rõ so với nhóm B (P <0.01). Tuy nhiên mức độ cải thiện về triệu chứng cơ năng gồm ngứa và đau cải thiện tốt hơn nhiều ở nhóm B so với nhóm A (P<0.01).

- Mức độ hài lòng của bệnh nhân: Nhóm điều trị bằng BTX-A (nhóm B) có mức độ hài lòng cao hơn so với nhóm A (75% so với 50%).

- Tác dụng phụ: 25% bệnh nhân điều trị bằng steroid có tác dụng phụ trong khi đó không có bệnh nhân nào tiêm BTX-A bị tác dụng phụ

5. Phối hợp BTX và triamcenolone 

Rasaii đã tiến hành một nghiên cứu trên 23 bệnh nhân (có tổng số 40 sẹo lồi) nhằm so sánh hiệu quả khi điều trị phối hợp tiêm triamcinolone acetonide  + BTX-A so với tiêm triamcinolone acetonide + nước muối sinh lý. Trong mỗi lần tiêm, bệnh nhân được tiêm tối đa 40 mg triamcinolone (20 mg/mL) và 20 UI BTX-A, bệnh nhân được điều trị 3 lần, cách nhau mỗi tháng. Hiệu quả được đánh giá trước, sau mỗi lần điều trị và 1 tháng sau lần điều trị cuối cùng.

Kết quả cho thấy cả hai nhóm đều có sự cải thiện rất tốt về chiều cao sẹo (P< 0.01 cho cả hai nhóm), mạch máu (P= 0.003 cho cả hai nhóm) và độ mềm của sẹo (P = 0.033 cho nhóm chứng và P= 0.005 cho nhóm phối hợp triamcinolone + BTX). Mức độ đau và ngứa cũng cải thiện rõ ở hai nhóm, tuy nhiên nhóm triamcinolone + BTX có mức độ cải thiện tốt hơn nhiều (P<0.001).

6. Bàn luận

Từ những nghiên cứu trên chúng ta có thể thấy BTX-A có hiệu quả tương đương trong điều trị sẹo lồi về các chỉ số thể tích sẹo, độ cao sẹo, mạch máu. Tuy nhiên BTX-A có hiệu quả nổi bật trong giảm đau và ngứa trên tổn thương sẹo. Và một vấn đề quan trọng nữa là BTX-A không gây tác dụng phụ như khi tiêm corticosteroid. Việc phối hợp BTX-A và triamcenolone không tạo nên sự khác biệt nhiều so với đơn trị liệu triamcenolone nhưng có thể giúp cải thiện triệu chứng cơ năng hiệu quả nhờ tác dụng của BTX.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Pavelecini M, Zettler CG, Fernandes MC, Ely PB. Immunohistochemical Expression of Cyclooxygenases in Hypertrophic Scars and Keloids. Plast Reconstr Surg Glob Open. 2019 Feb 12;7(2):e2030. doi: 10.1097/GOX.0000000000002030. PMID: 30881820; PMCID: PMC6416126.

https://dermnetnz.org/topics/keloids-and-hypertrophic-scar/

 Bi M, Sun P, Li D, Dong Z, Chen Z. Intralesional Injection of Botulinum Toxin Type A Compared with Intralesional Injection of Corticosteroid for the Treatment of Hypertrophic Scar and Keloid: A Systematic Review and Meta-Analysis. Med Sci Monit. 2019 Apr 22;25:2950-2958. doi: 10.12659/MSM.916305. PMID: 31006769; PMCID: PMC6489528.


Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét