LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

 BỆNH DA DO NẤM MALASSEZIA

BS PHẠM TĂNG TÙNG


Malassezia spp là một chủng nấm thuộc hệ vi sinh vật sống trên da người. Malassezia spp là loài ưu dầu, sử dụng bã nhờn làm thức ăn do đó thường sống ở vùng da tiết bã như đầu, mặt, cổ. 

Malassezia thường gây các bệnh về da thường gặp như: viêm da tiết bã, lang ben, viêm nang lông (thường chẩn đoán nhầm với mụn trứng cá) và có liên quan đến cả viêm da cơ địa.

1. Lang ben

Lang ben là một bệnh nấm nông mạn tính do malassezia gây ra, đặc trưng trên lâm sàng bởi các dát giảm hoặc tăng sắc tố (thường có màu trắng, nâu đỏ, hoặc hồng), hình tròn hoặc hình ovan, giới hạn rõ, bề mặt có thể có vảy mịn, phân bố ở thân mình và cổ (vùng tiết bã nhờn).




Chẩn đoán lang ben chủ yếu là dựa vào lâm sàng. Ngoài ra có thể chẩn đoán dựa vào đèn wood (tổn thương màu vàng-xanh lá) hoặc cạo nấm và soi tươi KOH (hình ảnh bánh mì spagetti và thịt viên).

Lang ben có thể điều trị bằng thuốc bôi hoặc thuốc uống kháng nấm như fluconazole, itraconazole, ketoconazole cream.

Đọc thêm về lang ben: https://www.drtungmd.com/2020/08/lang-ben.html

2. Viêm nang lông do malassezia

Viêm nang lông do malassezia có hình thái giống với mụn trứng cá và phát ban mụn trứng cá do corticoid trên lâm sàng. 

Biểu hiện lâm sàng của viêm nang lông do nấm malassezia là sẩn, mụn mủ nhỏ, đồng dạng, kèm ngứa, xuất hiện ở vùng tiết bã như lưng ngực, cổ, mặt. 



Chẩn đoán viêm nang lông do malassezia có thể dựa vào lâm sàng hoặc quan sát dưới đèn wood (như ở phần lang ben). Cần phải chẩn đoán phân biệt giữa viêm nang lông do nấm với mụn trứng cá và phát ban mụn trứng cá do corticoid.

Sẩn, mụn mủ đồng dạng, không xuất hiện comedone (mụn đầu đen, đầu trắng), phân bố chủ yếu ở vùng lưng, ngực là những dấu hiệu để phân biệt với mụn trứng cá.

Lâm sàng của phát ban mụn trứng cá do corticoid cũng có biểu hiện sẩn đỏ đồng dạng, phân bố vùng lưng ngực nên khó phân biệt với viêm nang lông do nấm hơn. Cần khai thác kĩ tiền sử sử dụng corticoid đường uống, đường bôi để chẩn đoán phân biệt. Ngoài ra các yếu tố gợi ý của một viêm nang lông do nấm gồm tiền sử sử dụng kháng sinh trước đó, triệu trứng cơ năng ngứa nhiều, biểu hiện viêm da tiết bã đi kèm.

Điều trị malassezia như trường hợp bị lang ben.

Đọc thêm về viêm nang lông do malassezia tại: https://www.drtungmd.com/2020/08/viem-nang-long-malassezia-tac-gia-tien.html

và https://www.drtungmd.com/2020/03/viem-nang-long-do-malassezia-tac-nhan.html

3. Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã là một dạng bệnh phổ biến có sự liên quan của malassezia. Bệnh xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh và người lớn. Chúng ta sẽ bàn luận chủ yếu về viêm da tiết bã ở người lớn. Bệnh có tính chất mạn tính, thường xuyên tái phát nhất là những tháng mùa đông. Yếu tố khởi phát viêm da tiết bã thường gặp nhất là stress và mất ngủ, cơ địa suy giảm miễn dịch. Nếu tình trạng viêm da tiết bã nặng, kém đáp ứng với điều trị và tái phát nhanh thì cần đánh giá đến yếu tố miễn dịch của bênh nhân như HIV, sử dụng corticoid kéo dài.

Viêm da tiết bã trên lâm sàng có hai dạng là viêm da tiết bã da đầu và viêm da tiết bã ở mặt. Biểu hiện lâm sàng của viêm da tiết bã ở đầu đó là gàu thường kèm với ngứa đầu. Biểu hiện lâm sàng ở mặt là các mảng hồng ban giới hạn không rõ, bề mặt có nhiều vảy màu vàng bóng mỡ, xuất hiện đặc trưng ở vùng cung mày, hai bên cánh mũi, triệu chứng cơ năng thường kèm theo ngứa nhẹ. 


Điều trị viêm da tiết bã ở đầu bằng dầu gội chứa ketoconazole, selenium sulfide.

Điều trị viêm da tiết bã ở mặt có thể sử dụng một trong 3 loại thuốc bôi sau: ketoconazole, corticoid dạng bôi và calcineurin inhibitor như tacrolimus.

Ngoài ra trong trường hợp nặng có thể điều trị bằng kháng nấm đường uống. 

4. Viêm da cơ địa.

Viêm da cơ địa là một bệnh lý mạn tính và giống như tên của nó, có tính chất gia đình. Cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa liên quan đến sự thiếu hụt chức năng hàng rào da khiến da khô và dễ mẫn cảm với các tác nhân môi trường và thức ăn như bò gà, bụi bẩn, phấn hoa...

Trong một vài nghiên cứu, người ta nhận thấy có 90% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân viêm da cơ địa có DNA của malassezia theo phương pháp PCR (điều này cũng dễ hiểu vì Malassezia là một phần của hệ khuẩn chí da). Tuy nhiên trong một số nghiên cứu người ta thấy tỉ lệ malassezia ở những bệnh nhân viêm da cơ địa nặng cao gấp 2-5 lần so với những bệnh nhân viêm da cơ địa trung bình và nhẹ. 

Đặc điểm lâm sàng của viêm da cơ địa có liên quan đến malassezia đó là (1) viêm da cơ địa nặng, (2) kém đáp ứng với corticoid bôi và dưỡng ẩm,  (3) viêm da cơ địa ở vùng đầu và mặt. 

Những trường hợp viêm da cơ địa trên nếu kém đáp ứng với điều trị bình thường thì có thể nghĩ đến malassezia.

5. Kết luận

Malassezia là một trong những vi nấm thuộc hệ khuẩn chí bình thường của da. Tuy nhiên malassezia còn tham gia vào cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh thường gặp như lang ben, viêm da tiết bã, viêm nang lông và cả viêm da cơ địa. Nhớ đến loại nấm này giúp bác sĩ da liễu có thêm hướng điều trị để mang lại hiệu quả trên lâm sàng. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Harada, K., Saito, M., Sugita, T., & Tsuboi, R. (2015). Malasseziaspecies and their associated skin diseases. The Journal of Dermatology, 42(3), 250–257. doi:10.1111/1346-8138.12700 

https://sci-hub.do/10.1111/1346-8138.12700

https://dermnetnz.org/topics/pityriasis-versicolor/

https://dermnetnz.org/topics/malassezia-folliculitis/

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét