PHẦN 1: PH CỦA DA VÀ CÁC BỆNH LÝ LIÊN QUAN
BS Phạm Tăng Tùng
1. PH sinh lý của da
Độ PH của da thường nằm trong khoảng 4-6 (trung bình khoảng 5.5). Độ PH hơi acid của da có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi các vi khuẩn trên bề mặt da, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của các enzyme tham gia tổng hợp các thành phần của hàng rào bảo vệ da.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến PH da
- Độ tuổi: ngay khi vừa sinh ra, da của trẻ sơ sinh có độ PH khoảng 7.08, sau đó giảm dần về chỉ số giống như ở người trưởng thành sau khoảng 30 ngày (kết thúc thời kì sơ sinh). Càng lớn tuổi, thì độ PH của da dường như càng tăng, đồng thời người ta còn thấy sự gia tăng của alkaline ceramidase (enzyme phân hủy ceramide) cũng như sự sụt giảm hàm lượng ceramide trên da.
- Vị trí: Các vị trí khác nhau trên da có độ PH cũng khác nhau. Những vị trí nếp gấp như nách, bẹn, nếp vú thường có độ PH cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn sinh mùi phát triển ở những vùng này. Ngoài ra nấm candida cũng thích môi trường có độ PH cao.
- Màu da: người ta quan sát thấy người da tối màu (phân loại Fitzpatrick cao) thì có độ PH thấp hơn người da sáng màu hơn. Song song với đó, người ta cũng phát hiện hàng rào bảo vệ da ở người da tối màu toàn vẹn và bền vững hơn.
3. Mối quan hệ giữa PH và chức năng hàng rào bảo vệ da
Chức năng hàng rào da được cấu thành từ lớp lipid được tổng hợp từ thể lamellar của các tế bào thượng bì. Thành phần lớp lipid này chủ yếu gồm các acid béo tự do, ceramide và cholesterol.
- Có hai loại enzyme quan trọng tham gia vào quá trình tổng hợp các acid của hàng rào bảo vệ da gồm β-glucocerebrosidase and acidic sphingomyelinase hoạt động tối ưu lần lượt ở độ ph 5.6 và 4.5. Hai enzyme này đều tham gia vào quá trình tổng hợp ceramide, một thành phần quan trọng bật nhất của hàng rào bảo vệ da.
Hoạt tính của β-glucocerebrosidase giảm gấp 10 lần trong môi trường có PH 7.4 so với PH 5.5. Ngoài ra quá trình tổng hợp lipid từ thể lamellar cần có môi trường acid nhẹ.
- Một nghiên cứu cho thấy PH tăng ở da bình thường sẽ gây cản trở chức năng hàng rào bảo vệ da, cụ thể là có sự gia tăng hoạt động của serine proteases và giảm hoạt động của enzyme kích thích tổng hợp ceramide.
4. PH và sự liên kết của các tế bào sừng.
PH không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của hàng rào chức năng mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, kết dính và bong tróc của các tế bào sừng. Serin proteases (kallikrein 5 và 7) hoạt động tốt ở môi trường PH trung tính, enzyme này làm tăng sự bong tróc thượng bì bằng cách làm tăng sự thoái hóa của desmoglein 1 (phân tử kết nối giữa hai tế bào sừng).
5. PH và hệ khuẩn chí trên da
Hệ vi khuẩn sống cộng sinh và lành tính trên da như coagulase negative staphylococci. Trong khi đó các vi khuẩn gây bệnh như S.aureus sinh trưởng tốt ở môi trường PH trung tính.
Trong mồ hôi có một chất diệt khuẩn đó là dermicidin, chất này có khả năng diệt >90% S. aureus ở độ PH 5.5 trong khi đó nếu ở độ PH 6.5 chất này chỉ có thể ức chế >60%.
6. PH và một số bệnh lý ở da
- Viêm da cơ địa: những người bị viêm da cơ địa có tính di truyền. Người viêm da cơ địa có sự thiếu hụt nghiêm trọng hàng rào bảo vệ da. Sự thiếu hụt các thành phần tạo tính acid nhẹ của hàng rào bảo vệ da như các amino acid tự do, urocanic acid... khiến cho độ PH của da bệnh nhân viêm da cơ địa cao hơn nhiều so với da bình thường. Điều này hợp lý khi người ta quan sát thấy tỉ lệ S. aureus cũng tăng cao ở những vùng da bị viêm da cơ địa hơn so với vùng da thường.---> lưu ý PH thuốc bôi của bệnh nhân, cũng như hạn chế việc sử dụng xà phòng ở bệnh nhân bị VDCĐ.
- Viêm kẽ (do nấm candida): Candida alblicans là một loại nấm lưỡng hình (nghĩa là vừa có thể ở dạng sợi vừa có thể ở dạng tế bào hạt men), ở môi trường acid thường nấm có xu hướng ở dạng sợi, đây là dạng gây bệnh của nấm men. Chúng ta thường biết người bị tiểu đường dễ bị viêm kẻ và người ta cũng quan sát thấy PH ở vùng kẽ bệnh nhân tiểu đường thường cao hơn so với người bình thường
- Viêm da tã lót ở trẻ: vùng mang tả lót thường có PH cao hơn so với vùng da thường vì lượng amonia (kiềm) sinh ra sau khi bé đi tiểu trong tả lót. Điều này tạo thuận lợi cho candida phát triển và gây bệnh. Ngoài ra nhiều bà mẹ có thói quen rửa xà bông cho trẻ sẽ khiến PH vùng này càng tăng ---> tránh rửa bằng xà bông quá nhiều, thay tả thường xuyên.
- Mụn trứng cá và viêm da kích ứng (sẽ được thảo luận ở phần 2: PH da và Mỹ phẩm)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kim E, Kim S, Nam GW, Lee H, Moon S, Chang I. The alkaline pH-adapted skin barrier is disrupted severely by SLS-induced irritation. Int J Cosmet Sci. 2009 Aug;31(4):263-9. doi: 10.1111/j.1468-2494.2009.00491.x. Epub 2009 May 20. PMID: 19467032.
2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7167948/pdf/diagnostics-10-00107.pdf
3. Ali SM, Yosipovitch G. Skin pH: from basic science to basic skin care. Acta Derm Venereol. 2013 May;93(3):261-7. doi: 10.2340/00015555-1531. PMID: 23322028.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét