LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

 CƠ CHẾ BỆNH SINH NÁM VÀ HƯỚNG ĐIỀU TRỊ THEO TỪNG CƠ CHẾ

BS PHẠM TĂNG TÙNG

27/2/2022


Nám là bệnh lý da tăng sắc tố phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở người có type da tối màu như người châu Á. Nám đa chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ (90%).  Biểu hiện của nám là những dát tăng sắc tố hình mạng lưới màu nâu nhạt-nâu sẫm phân bố đối xứng 2 bên mặt. Các yếu tố khởi phát nám thường có liên quan đến ánh sáng mặt trời, mang thai, sử dụng thuốc tránh thai và các liệu pháp hormon.

Việc hiểu được chính xác cơ chế sinh bệnh học của nám sẽ giúp bác sĩ da liễu có cái nhìn tổng quan và chính xác về từng trường hợp nám, từ đó đề ra được liệu pháp điều trị chính xác nhất có thể.

Nám có 5 cơ chế bệnh sinh (hình 1) chính đó là: (1) Hoạt hóa quá mức melanocyte, (2) tăng tổng hợp melanin và melanosome ở thượng bì và trung bì, (3) tăng thoái hóa mô đàn hồi (3b) và số lượng dưỡng bào (3a) (mast cell) (4) đứt gãy màng đáy thượng bì, (5) tăng sinh mạch máu.



Hình 1: tóm tắt cơ chế bệnh sinh của nám

1. Hoạt hóa quá mức các tế bào melanocyte tăng hoạt ở vùng da nám 

Có sự tồn tại của các tế bào melanocyte tăng hoạt tại các vùng của nám. Những tế bào này có thể được kích hoạt tổng hợp melanin và melanosome dưới tác động của tia UV thông qua những con đường sau:

- UVB làm tăng sự tổng hợp của SCF (stem cell factor) và m-KIT (membrain bound KIT), sự kết hợp giữa SCF và thụ thể M-KIT làm tăng quá trình tổng hợp melanin.
- Hoạt hóa fibroblast--> kích hoạt con đường truyền tin wnt--> tăng tổng hợp melanin và tăng vận chuyển melanosome từ tế bào melanocyte sang tế bào sừng (keratinocyte).
- Tăng tổng hợp enzyme COX-2 làm tăng quá trình tổng hợp melanin. 
- Quá trình oxi hóa các lipid bề mặt của da như squalene có thể làm tăng tổng hợp melanin. Trên thực tế mạc dù chưa có mối liên quan rõ ràng nhưng nám thường xuất hiện ở vùng có nhiều tuyến bã nhờn như hai má và vùng môi trên.

Do đó mục tiêu điều trị trong cơ chế này là là ức chế và làm giảm hoạt hóa các tế bào melanocyte tăng hoạt này. (hình 2)

2. Sự gia tăng hàm lượng melanin và melanosome ở cả thượng bì và trung bì ở vùng da nám.

Mặc dù nám được phân chia thành nám thượng bì, trung bì và nám hỗn hợp bằng cách sử dụng đèn Wood. Nhưng những kết quả sinh thiết của cả 3 loại nám này đều có sự gia tăng của melanin và melanosome hoặc tế bào nhiễm sắc tố ở cả lớp thượng bì và hạ bì. Có sự gia tăng hàm lượng melanin bên trong các lớp tế bào của thượng bì (lớp gai, lớp hạt, lớp sừng), cũng như sự gia tăng về số lượng tua gai của tế bào melanocyte.

Do đó mục tiêu điều trị đối với cơ chế này là tăng cường phá hủy melanin và melanosome ở lớp thượng bì và trung bì. (hình 2)

3. Thoái hóa mô đàn hồi và tăng hoạt mast cell ở vùng da nám.

Giải phẫu mô bệnh học vùng nám cho thấy có sự thoái hóa mô đàn hồi. Thoái hóa mô đàn hồi là sự lắng đọng, tích lũy của các sợi elastin bất thường ở trung bì. Số lượng tế bào mast cell cũng được tìm thấy nhiều ở vùng thoái hóa mô đàn hồi. Các nghiên cứu cho thấy mast cell kích thích fibroblast tăng tổng hợp elastin.

Mast cell, ngoài tăng tổng hợp elastin còn có thêm hai cơ chế ảnh hưởng đến nám. Thứ nhất là làm tăng sinh mạch máu thông qua các yếu tố tăng sinh mạch như VEGF và thứ hai là tăng phá hủy màng đáy thông qua mast cell tryptase và granzym B.

Do đó mục tiêu điều trị trong cơ chế này là giảm số lượng tế bào mast và chỉnh sửa mô đàn hồi (hình 2).

4. Đứt gãy màng đáy ở vùng da nám

Màng đáy của da ở vùng bị nám bị đứt gãy đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Sự không toàn vẹn của màng đáy dẫn đến các tế bào sắc tố rơi từ thượng bì xuống trung bì, và làm tăng sắc tố ở tầng sâu của da. 

Quá trình phá huy màng đáy chủ yếu do sự tiếp xúc lâu dài của da với tia UV. Tia UV làm tăng hoạt tính của enzyme MMP, từ đó làm tăng phá hủy collagen IV và VI ở màng đáy, dẫn đến sự phá hủy màng này. Ngoài ra như đã thảo luận ở trên, màng đáy còn bị phá hủy bởi tế bào mast cell và sự phá hủy heparin sulfate bởi heparinase.

Do đó mục tiêu điều trị trong cơ chế này là tái tạo màng đáy và heparin sulfate (hình 2).

5. Tăng sinh mạch máu ở vùng da nám.

Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự tăng sinh mạch máu thấy rõ ở các vùng da nám. Và sự gia tăng mạch máu đó chủ yếu dược gây ra bởi sự tăng tổng hợp VEGF từ tế bào sừng. VEGF gắn lên thụ thể của nó ở tế bào nội mô mạch máu sẽ làm tăng tổng hợp melanin thông quan endothelin-1. Ngoài ra VEGF còn tác động đến tế bào melanocyte thông qua con đường tổng hợp arachidonic và phospholipase A2.

Do đó mục tiêu điều trị trong cơ chế này là làm giảm thành phần mạch máu của nám (hình 2).


Hình 2: các phương pháp điều trị theo cơ chế bệnh sinh của nám.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

Artzi, O., Horovitz, T., Bar‐Ilan, E., Shehadeh, W., Koren, A., Zusmanovitch, L., … Mashiah, J. (2021). The pathogenesis of melasma and implications for treatment. Journal of Cosmetic Dermatology. doi:10.1111/jocd.14382

https://sci-hub.se/https://doi.org/10.1111/jocd.14382

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét