LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

PROBIOTICS TRONG ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ

BS PHẠM TĂNG TÙNG

SG-15.07.2022

Mụn trứng cá là một trong những bệnh lý phổ biến tuổi dậy thì, ảnh hưởng 85-90% thanh thiếu niên ở độ tuổi này. Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá thường liên quan đến 4 nguyên nhân chính gồm: (1) dày sừng và bít tắt cổ nang lông, (2) tăng tiết bã nhờn quá mức, (3) vi khuẩn C acnes và (4) quá trình viêm. Mụn trứng cá nếu không được điều trị sớm có thể để lại các biến chứng như thâm và sẹo, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bệnh nhân.

Phương pháp điều trị mụn hiện nay chủ yếu là thuốc bôi như: retinoids, kháng sinh bôi, benzoyl peroxide, azelaic acid... đối với mụn trứng cá nhẹ, thuốc bôi + kháng sinh uống (doxycycline, minocycline...) với mụn trứng cá mức độ trung bình và isotretinoin đối với mụn trứng cá mức độ nặng. 

1. HỆ VI SINH VẬT TRÊN DA VÀ MỤN TRỨNG CÁ

Microbiome (microbiota) là thuật ngữ dùng để chỉ toàn bộ hệ vi sinh vật sống cộng sinh và vô hại trên da bao gồm, hệ vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng (demodex)....

Trong bệnh lý mụn trứng cá, vai trò của C. acnes là quan trọng nhất. C. acnes có vai trò duy trì pH thấp của da bằng cách tiết ra acid béo tự do, và ức chế sự phát triển của tụ cầu vàng (S. aureus). Một số chủng C.acnes gây bệnh bài tiết porpyrin kích thích quá trình viêm, đồng thời tiết lipase làm phân giải diglyceride và triglyceride thành các acid béo tự do làm kích ứng và gây ra quá trình viêm trên da. 

Ngoài ra mallasezia cũng đóng góp vai trò trong quá trình hình thành mụn trứng cá.

2. HỆ VI SINH VẬT ĐƯỜNG TIÊU HÓA VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI MỤN TRỨNG CÁ

Hệ vi sinh vật đường tiêu hóa có liên quan đến sự hình thành mụn trứng cá trên da. Mặt dù chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, nhưng sự toàn vẹn của hệ vi sinh vật đường tiêu hóa có liên quan đến mụn trứng cá. Quá trình stress của cơ thể có thể ảnh hưởng đến tình trạng mụn ở da đồng thời cũng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Một nghiên cứu cho thấy có sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột ở 53% bệnh nhân bị mụn trứng cá. Hệ vi sinh vật đường tiêu hóa có vai trò trong hình thành đáp ứng miễn dịch của các cơ quan, do đó có thể liên quan đến đáp ứng miễn dịch của da.

Hình 1: các nghiên cứu về mối liên quan giữa hệ vi khuẩn đường ruột và mụn trứng cá

3. PHÂN BIỆT PROBIOTICS, PREBIOTICS VÀ SYMBIOTICS

Ở đây chúng ta có 3 khái niệm khác nhau cần phân biệt là probiotics, prebiotics và symbiotics.

Probiotics được định nghĩa là những vi sinh vật có lợi cho vật chủ khi được sử dụng với một lượng nhất định và hoàn toàn không gây hại cho vật chủ. 

Prebiotics được định nghĩa là những thành phần thực phẩm không thể tiêu hóa được, nhưng có tác động tích cực đến sức khỏe của vật chủ thông qua kích thích tăng trưởng và hoạt động của một số loại vi sinh vật sống trong dạ dày vật chủ. 

symbiotics là những sản phẩm chứa cả probiotics và prebiotics

4. THUỐC BÔI PROBIOTICS TRONG ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ

Kang và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị mụn trứng cá của một loại lotion chứa vi khuẩn enterococus faecalis SL-5, đây là loại vi khuẩn có khả năng ức chế các chủng vi khuẩn gram dương như C. acnes. Có 70 bệnh nhân mụn trứng cá mức độ trung bình -nhẹ tham gia vào nghiên cứu trong khoảng thời gian 8 tuần. Những bệnh nhân này được chia thành hai nhóm, một nhóm sử dụng lotion probiotics 2 lần mỗi ngày, nhóm còn lại dùng giả dược. Kết quả cho thấy nhóm sử dụng lotion probiotics có tỉ lệ mụn viêm giảm rõ rệt so với nhóm chứng. Điều này cho thấy enterococus faecalis làm giảm rõ rệt quần thể C. acne và các sản phẩm gây viêm của nó.

Hình 2: kết quả nghiên cứu cho thấy probiotics giúp làm giảm tổn thương mụn viêm rõ rệt so với mụn ẩn.

Một thử nghiệm lâm sàng khác sử dụng lactobacillus plantarum để điều trị mụn trứng cá mức độ nhẹ-trung bình ở hai nồng độ khác nhau là 1% và 5%. Kết quả nghiên cứu cho thấy probiotics nồng độ 5% giúp làm giảm kích thước tổn thương và giảm hồng ban sau 4 ngày điều trị, còn probiotics nồng độ 1% thì không có sự cải thiện đáng kể.

Cơ chế: Cơ chế điều trị mụn trứng cá của probiotics dạng bôi là thông qua việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn C. acnes và giảm các sản phẩm có khả năng gây viêm từ loại vi khuẩn này.

5. PROBIOTICS UỐNG TRONG ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ.

Cơ chế: probiotics có tác dụng ức chế lên quá trình viêm theo trục thần kinh não-ruột-da (brain-gut-skin inflammatory process. 

Năm 1961, Robert khi quan sát 300 bệnh nhân có sử dụng thực phẩm bổ sung chứa probiotics thì ông thấy rằng có đến 80% bệnh nhân có sự cải thiện tình trạng mụn trứng cá. Đặc biệt là những mụn viêm đáp ứng tốt với thực phẩm chức năng chứa probiotics.

Một nghiên cứu so sánh về hiệu quả điều trị và phối hợp giữa probiotics và minocycline đã được Jang và cộng sự tiến hành năm 2013. 45 bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu đã được chia thành 3 nhóm A ( chỉ sử dụng probiotic), B ( chỉ sử dụng minocycline) và C (sử dụng cả probiotics và minocycline).

Kết quả sau 4 tuần, bệnh nhân ở cả 3 nhóm đều giảm về số lượng tổn thương mụn (p<0.01), sau 8 và 12 tuần, nhóm C (phối hợp probiotics và minocycline) có hiệu quả giảm tổn thương mụn cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm A (chỉ dùng probiotics) (p<0.001) và nhóm B ( chỉ dùng minocyline) (p<0.01)


Hình 3: mức độ cải thiện mụn viêm ở cả 3 nhóm sau 4, 8 và 12 tuần.


Hình 4. kết quả điều trị của bệnh nhân ở ba nhóm điều trị

6. BÀN LUẬN

Probiotics dạng bôi và uống có tác dụng tích cực trong hỗ trợ điều trị mụn trứng cá thông qua ức chế quần thể vi khuẩn C. acnes và giảm viêm thông qua trục não-ruột-da. Probiotics dùng đơn lẻ hoặc phối hợp với kháng sinh giúp làm tăng hiệu quả điều trị mụn trứng cá cũng như giảm tác dụng phụ của kháng sinh uống và bôi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chilicka K, Dzieńdziora-Urbińska I, Szyguła R, Asanova B, Nowicka D. Microbiome and Probiotics in Acne Vulgaris-A Narrative Review. Life (Basel). 2022 Mar 15;12(3):422. doi: 10.3390/life12030422. PMID: 35330173; PMCID: PMC8953587.

2. Goodarzi A, Mozafarpoor S, Bodaghabadi M, Mohamadi M. The potential of probiotics for treating acne vulgaris: A review of literature on acne and microbiota. Dermatol Ther. 2020 May;33(3):e13279. doi: 10.1111/dth.13279. Epub 2020 Apr 7. PMID: 32266790.

3. Kang, B. S., Seo, J. G., Lee, G. S., Kim, J. H., Kim, S. Y., Han, Y. W., … Park, Y. M. (2009). Antimicrobial activity of enterocins from Enterococcus faecalis SL-5against Propionibacterium acnes, the causative agent in acne vulgaris, and its therapeutic effect. The Journal of Microbiology, 47 (1), 101–109.

4. Jung GW, Tse JE, Guiha I, Rao J. Prospective, randomized, open-label trial comparing the safety, efficacy, and tolerability of an acne treatment regimen with and without a probiotic supplement and minocycline in subjects with mild to moderate acne. J Cutan Med Surg. 2013 Mar-Apr;17(2):114-22. doi: 10.2310/7750.2012.12026. PMID: 23582165.

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét