LOVE YOUR SKIN WITH EVIDENCE-BASED COSMETOLOGY

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

 CÁ NHÂN HÓA TRONG ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ




1. Mụn trứng cá- vấn đề quốc dân và nhận thức của người dân.

Mụn trứng cá là một trong những bệnh lý da mạn tính, hầu hết mọi người đều từng bị mụn trứng cá trong quãng thời gian sống của mình. Mụn trứng cá được chia thành mụn trứng cá tuổi dậy thì và mụn trứng cá người lớn (sau 25 tuổi). Mụn trứng cá và hậu quả của nó như thâm mụn, sẹo rỗ là nỗi ám ảnh  nghiêm trọng đến chất lượng sống và sức khỏe tinh thần. Trước đây và ngay cả hiện tại rất nhiều người có quan điểm rằng mụn trứng cá là một phần BÌNH THƯỜNG của quá trình dậy thì, và hầu hết họ sẽ không nghĩ đến việc tìm đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn cho đến khi mụn thật sự tiến triển nặng và sẹo rỗ bắt đầu hình thành.

2. Điều trị mụn trứng cá dễ hay khó.

Dù có hàng trăm nghìn nghiên cứu đã được tiến hành nhằm tìm hiểu về nguyên bệnh sinh của mụn trứng cá, tuy nhiên cho đến nay nguyên nhân chính xác của mụn trứng cá vẫn còn chưa sáng tỏ, quan điểm hiện nay về bệnh sinh mụn trứng cá là sự phối hợp của 4 yếu tố chính: sừng hóa và bít tắc cổ nang lông, tăng tiết bã nhờn, vai trò của vi khuẩn P. acnes (C. acnes) và quá trình viêm. 

Điều trị hiện nay của mụn trứng cá chủ yếu dựa vào thuốc bôi (adapalene, tretinoin, benzoyl peroxide, azelaic acid...) và thuốc uống (kháng sinh doxycycline, minocycline, isotretinoin...).

Khó khăn trong điều trị mụn trứng cá hiện nay gồm:

- Thời gian điều trị mụn kéo dài. Điều trị mụn đòi hỏi thời gian điều trị 3-6 tháng, có thể kéo dài đến 1-2 năm tùy tình trạng mụn.

- Đáp ứng điều trị chậm. Thường phải mất 4-6 tuần mới thấy được tác dụng. Với bệnh nhân thiếu kiên nhẫn sẽ rất dễ dàng bỏ trị hoặc không tuân thủ điều trị. Và đây cũng là lý do giải thích cho sự thịnh hành của các loại kem trộn (kem chứa corticoid) hiện nay.

- Mức độ đáp ứng đối với từng loại thuốc bôi không cao ( ví dụ như chỉ có 21-23% bệnh nhân điều trị mụn trứng cá thành công với tretinoin đơn trị liệu [1]. Do đó việc thường xuyên gặp thất bại trong điều trị với một loại thuốc bôi nào đó là rất thường xuyên. 

- Mức độ tuân thủ điều trị kém. Xem kĩ hơn ở phần không tuân thủ điều trị-lỗi tại ai

- Bệnh sinh mụn trứng cá phức tạp và khác nhau giữa mỗi người. 

- Điều trị mụn không đúng y khoa. Thật trạng đáng buồn hiện nay là rất rất nhiều người điều trị mụn không phải là bác sĩ và các phương pháp điều trị của họ đôi khi phản khoa học, và thậm chí làm nặng thêm tình trạng mụn trên da. Đồng thời khiến bệnh nhân mất niềm tin vào các phương pháp điều trị mụn hiện nay. 

3. Tại sao phải cá nhân hóa phác đồ điều trị mụn trứng cá

Những lý do sau đây sẽ giúp bạn nhận ra rằng cùng một trình trạng mụn trứng cá nhưng phác đồ điều trị sẽ khác nhau giữa mỗi người.

- Nguyên bệnh sinh mụn trứng cá khác nhau. Có người nguyên nhân chủ yếu là da tiết nhiều dầu, có người do môi trường làm việc nhiều bụi bẩn, có người do thức khuya nhiều và stress...

- Mức độ đáp ứng đối với từng loại thuốc bôi không cao. Có thể da bạn sẽ ổn với loại thuốc bôi nào đó (vd: dermafote) tuy nhiên điều đó không có nghĩa là nó cũng sẽ có tác dụng đối với bạn. Và điều này đúng đối với kháng sinh đường uống, đây cũng là lý do bạn cần được tái khám để đánh giá đáp ứng điều trị và xem xét thay đổi phác đồ nếu không đáp ứng.

- Phác đồ điều trị mụn trứng cá khác nhau giữa những người có mức độ mụn khác nhau. 

4. Quan điểm điều trị mụn trứng cá của Dr. Tùng.

- Điều trị gồm: Thay đổi chế độ chăm sóc da và lối sống (quyết định 50% điều trị) và lên phác đồ điều trị (quyết định 50% điều trị)

- Phác đồ điều trị gồm: Tấn công (3-6 tháng) + duy trì bằng thuốc bôi khi mụn đã ổn định (phần này thường bị phớt lờ)

- Ưu tiên phối hợp ít nhất hai loại thuốc bôi khác cơ chế điều trị + phục hồi lại chức năng hàng rào da. Quan điểm của mình là ngoài việc đưa quân chi viện (thuốc bôi) thì việc rèn luyện quân đội tại chiến trường (hàng rào phòng thủ của da) cũng rất quan trọng. 

- Luôn phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân mỗi lần tái khám. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Zaenglein AL, Pathy AL, Schlosser BJ, et al. Guidelines of care for the management of acne vulgaris [published correction appears in J Am Acad Dermatol. 2020 Jun;82(6):1576]. J Am Acad Dermatol. 2016;74(5):945-73.e33. doi:10.1016/j.jaad.2015.12.037

Pin It

0 nhận xét:

Đăng nhận xét